Nhiều khoản thu nhập ngoài lãi tăng đột biến, ngân hàng nào được điểm tên?
Bóc tách động lực chính giúp lợi nhuận ngành ngân hàng bật tăng hai chữ số quý IV/2024, VDSC cho biết, thu nhập lãi thuần vẫn là động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, mức tăng trưởng vượt trội đến từ thu hồi nợ xấu, cùng mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh, lần lượt tăng 66% và 67% cùng kỳ.
Trong báo cáo toàn cảnh kết quả kinh doanh ngành ngân hàng mới phát hành, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, lợi nhuận trước thuế quý IV/2024 của 27 ngân hàng niêm yết đạt 81 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ, đưa lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 299 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 18%.
Động lực giúp tăng trưởng lợi nhuận
Bóc tách động lực chính giúp lợi nhuận ngành ngân hàng bật tăng, theo VDSC, trong quý IV/2024, thu nhập lãi thuần vẫn là động lực tăng trưởng chính cho tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế, với điểm nhấn về tăng trưởng tín dụng ước đạt gần 18%, mức cao nhất kể từ năm 2018.
Cùng với đó, các nguồn thu nhập ngoài lãi quý IV/2024 tăng trưởng mạnh, 32% so với cùng kỳ, chủ yếu được dẫn dắt bởi thu nhập từ thu hồi nợ xấu (tăng 66% so với cùng kỳ) và thu nhập từ mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh (chủ yếu là trái phiếu Chính phủ) với mức tăng 67% so với cùng kỳ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_578_51470712/94f56b6e5a20b37eea31.jpg)
Các khoản thu nhập tăng trưởng vượt trội
"Trong đó, thu nhập từ thu hồi nợ xấu có sự tăng trưởng tích cực trên diện rộng và đột biến ở số ít ngân hàng như: VPBank, Vietcombank, BIDV, VietinBank. Tăng trưởng của thu nhập từ kinh doanh chứng khoán được đóng góp chủ yếu ở BIDV và MB" - VDSC chỉ rõ.
Ngược lại, tăng trưởng của thu nhập từ phí dịch vụ vẫn tương đối yếu, giảm 13% so với cùng kỳ, vốn bị ảnh hưởng bởi thị trường banca chưa phục hồi và sự dịch chuyển của nguồn thu nhập từ UPAS L/C sang thu nhập lãi.
Theo nhóm phân tích, thu nhập khác có sự tăng trưởng vượt trội nhờ thu nhập từ thu hồi nợ xấu (đã xử lý rủi ro), đạt gần 15 nghìn tỷ đồng và tăng trưởng 66% so với cùng kỳ; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đi ngang so với cùng kỳ là hai điểm nhấn đáng chú ý khác trong bức tranh kết quả kinh doanh cũng như củng cố cho diễn biến cải thiện của chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong quý IV/2024.
Về diễn biến của NIM (biên lãi ròng), trong quý IV/2024, NIM mặc dù giảm 20 điểm cơ bản (đcb) so với cùng kỳ 2023, nhưng cải thiện nhẹ 10 đcb so với quý III nhờ lợi suất tài sản tăng thêm 15 đcb, trong khi chi phí vốn đi ngang so với quý trước.
Theo nhóm phân tích, diễn biến mở rộng của NIM so với quý trước có sự hỗ trợ của việc hoàn nhập thu nhập lãi đã thoái sau khi chất lượng tài sản có sự cải thiện đáng kể trong quý IV/2024. Lũy kế cả năm, NIM cuối năm 2024 của các ngân hàng niêm yết giảm 10 đcb so với cùng kỳ xuống 3,3% với đà giảm chậm lại so với năm 2023 (-40 đcb so với cùng kỳ).
Tối ưu chi phí hoạt động, CIR giảm nhiều năm liên tiếp
Về chi phí hoạt động, theo VDSC, chi phí hoạt động quý IV/2024 và 2024 lần lượt tăng trưởng 19% so với cùng kỳ và 11% so với cùng kỳ và CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) toàn ngành trong 2024 đạt 33,5%, cải thiện khoảng 80 đcb so với năm 2023.
"Trong khi tỷ trọng chi phí cho nhân viên có xu hướng giảm qua các năm, các ngân hàng tiếp tục gia tăng tỷ trọng chi phí hoạt động khác, trong đó chủ yếu là chi cho các hoạt động quản lý, công vụ, bao gồm các khoản chi về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ và chi cho các sáng kiến cải tiến, tăng năng suất lao động" - nhóm phân tích VDSC nhìn nhận.
Theo VDSC, các ngân hàng tiếp tục ưu tiên cho các hoạt động đầu tư chuyển đổi số nhằm tăng tính cạnh tranh cũng như nâng cao năng suất hoạt động, phần nào được thể hiện qua xu hướng giảm của tỷ lệ CIR từ 2019 tới nay.
Về chi phí trích lập dự phòng và chất lượng tài sản, chất lượng tài sản có sự chuyển biến tích cực trong quý IV/2024 với quy mô nợ xấu (NPL), tỷ lệ NPL và nợ xấu hình thành ròng (trước xử lý rủi ro) đều giảm so với quý trước.
Đáng chú ý, quy mô nợ xấu hình thành ròng đã giảm về mức thấp nhất kể từ quý I/2022, thời điểm trước khi nợ xấu bắt đầu chu kỳ tăng mạnh trước những ảnh hưởng tiêu cực từ yếu tố vĩ mô và thị trường bất động sản.
![Quy mô nợ xấu hình thành ròng đã giảm về mức thấp nhất kể từ quý I/2022. Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_578_51470712/9c379dacace245bc1cf3.jpg)
Quy mô nợ xấu hình thành ròng đã giảm về mức thấp nhất kể từ quý I/2022. Ảnh minh họa.
Trong quý IV/2024, một số ngân hàng đáng chú ý ghi nhận nợ xấu giảm ròng (trước xử lý rủi ro), do nợ xấu nội bảng chuyển về các nhóm nợ tốt hơn, bao gồm: VietinBank, MB, Techcombank, TPBank, Nam A Bank.
Theo VDSC, xu hướng nợ xấu hình thành ròng giảm được hỗ trợ bởi khả năng trả nợ của các khách hàng đã khả quan hơn trong quý IV/2024, thể hiện một phần qua số dư lãi, phí phải thu, số ngày phải thu lãi bình quân giảm đáng kể so với quý trước. Diễn biến này có thể tiếp tục củng cố cho chất lượng tài sản của ngành ngân hàng trong 2025.
Mặc dù nợ xấu mới đã giảm, các ngân hàng duy trì tỷ lệ chi phí tín dụng không thay đổi so với quý trước, giúp tỷ lệ bao phủ nợ xấu cải thiện nhẹ lên 91% từ 83% trong quý III.
Sau diễn biến kết quả kinh doanh quý IV/2024 với nhiều gam màu tích cực, VDSC ước tính ngành ngân hàng đang được giao dịch ở mức P/B 1,5 lần, so với bình quân lịch sử 5 năm là 1,7 lần.
Mức định giá ngành hiện nay là tương đối hấp dẫn khi xét đến xu hướng cải thiện chất lượng tài sản có nhiều khả năng tiếp diễn, đi kèm với khả năng ROE (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) tăng trở lại khi tăng trưởng lợi nhuận được dự báo tích cực hơn trong 2025, kết hợp với chất xúc tác nâng hạng thị trường đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn./.