Nhiều kiến nghị gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng

Nhiều kiến nghị từ thực tiễn đã được đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép.

Ngày 15-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng.

Những kiến nghị từ thực tế gỡ vướng cho ngành vật liệu xây dựng

Tham dự hội nghị, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề nghị cần tập trung vào chương trình phát triển nhà ở xã hội.

Theo đó về quy hoạch, khi lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất thì phải có khu đô thị, trong khu phải có nhà ở xã hội. Chủ doanh nghiệp là người sử dụng lao động phải có thiết kế căn hộ mẫu.

 Nhiều kiến nghị gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhiều kiến nghị gỡ khó cho ngành vật liệu xây dựng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Nga kiến nghị tăng cường sử dụng xi măng cho xây dựng đường giao thông, xây dựng cầu cạn ở vùng đồng bằng, nền đất yếu vì tiết kiệm đất, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, chi phí bảo dưỡng thấp.

Ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết các công ty sản xuất xi măng quan niệm xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế trong khó khăn. Hiện nhiều doanh nghiệp xi măng phải bán xi măng dưới giá thành sản xuất.

Từ những khó khăn của ngành xi măng, đại diện Hiệp hội xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành có giải pháp để tăng lượng tiêu thụ xi măng nội địa.

Ngoài ra, ông Cung đề nghị các ngân hàng giãn nợ vay đầu tư, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, tăng hạn mức vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng.

Chia sẻ về những kiến nghị để tháo gỡ, theo ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch Hội Bê tông Việt Nam, cần tập trung thực hiện Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Nếu mỗi năm xây dựng 150 ngàn căn nhà ở xã hội sẽ tiêu thụ 4 triệu tấn xi măng, 1 triệu tấn sắt thép. Từ đó sẽ góp phần kích cầu các sản phẩm khác như sứ vệ sinh, gạch ốp lát, kính xây dựng... đạt được nhiều mục đích.

Dưới góc độ địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi về thuế, đẩy mạnh ứng dụng về khoa học công nghệ vào sản xuất VLXD. Đồng thời kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi về tín dụng đối với các nhà đầu tư trong nước, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Đồng thời thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, dự án hạ tầng, đề án đầu tư 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…

Thủ tướng chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, mà trước hết là nhóm các giải pháp chung.

Theo đó, phải đẩy mạnh đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, các công trình quốc phòng, an ninh; công trình biển và hải đảo.

 Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhà ở; thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Tăng cường triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, nhà ở công nhân trong khu công nghiệp và các chương trình, dự án xây dựng nhà ở khác.

Cùng với đó, tăng tỉ lệ lựa chọn phương án sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường.

Về tháo gỡ khó khăn tài chính, Thủ tướng giao NHNN rà soát, đánh giá, sửa đổi các quy định về khoanh nợ, giãn nợ, hạ lãi suất ngân hàng đối với khoản nợ của các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà máy sản xuất xi măng và các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác khi sử dụng các loại nhiên liệu thay thế từ rác thải và phế thải của các ngành công nghiệp.

Các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách thuế để khuyến khích sản xuất trong nước và hạn chế nhập khẩu, bảo đảm tính cạnh tranh và phù hợp với các cam kết quốc tế.

Bộ Xây dựng nghiên cứu đề xuất thiết lập lại Quy hoạch lĩnh vực xi măng để bổ sung vào Luật Quy hoạch (sửa đổi) trong thời gian tới.

MINH TRÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-kien-nghi-go-kho-cho-nganh-vat-lieu-xay-dung-post795869.html