Nhiều kinh nghiệm hay trong hiến đất và xây dựng nông thôn mới
Tại hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và biểu dương điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua hiến đất chung sức xây dựng NTM (chiều 10/4), nhiều đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong hiến đất và xây dựng NTM.
* Hiến đất xây dựng nông thôn mới cần sự chia sẻ vì cộng đồng của mỗi hộ dân
Trước đây, hệ thống đường giao thông trong thôn Nhân Trạch nói riêng và xã Quảng Trạch (Quảng Xương) nói chung còn chật hẹp. Đường trục thôn chỉ rộng từ 3 đến 4m, đường ngõ xóm rộng từ 2,5 đến 3m, nhiều tuyến đường đã xuống cấp, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và cảnh quan môi trường khu dân cư chưa được xanh, sạch, đẹp.
Năm 2023, khi xã, thôn triển khai tổ chức họp dân, bàn về chủ trương nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông trong thôn để xây dựng xã NTM nâng cao, bản thân tôi và gia đình vô cùng vui mừng, phấn khởi. Tuy nhiên, bước đầu triển khai mở rộng đường giao thông ở thôn cũng gặp rất nhiều khó khăn, một phần do nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ; một số người còn có tư tưởng trông chờ, yêu cầu cấp trên hỗ trợ; kinh tế trong thôn cũng không đồng đều...
Là công dân sống và sinh hoạt tại thôn Nhân Trạch, tôi nhận thức được rằng, nếu không tự giác, tích cực hưởng ứng cuộc vận động của thôn, của xã và có sự hy sinh, chia sẻ vì cộng đồng thì việc hiến đất để làm đường giao thông ở thôn không thể thực hiện được. Do đó, tôi đã vận động gia đình, vợ con tự nguyện tháo dỡ tường rào, hiến gần 100m2 đất ở, tự bỏ kinh phí xây mới lại tường rào, cổng ngõ. Tổng giá trị đóng góp khoảng gần 400 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, tôi đã cùng bí thư chi bộ, trưởng thôn và các ông, bà trong Ban phát triển thôn đến từng hộ để tuyên truyền vận động, thuyết phục Nhân dân. Kết quả, đã vận động các hộ tham gia hiến hơn 150m2 đất ở và tài sản trên đất, bàn giao mặt bằng để xã tổ chức thi công.
Sau khi hiến đất, các tuyến đường trong thôn đã được nâng cấp, mở rộng lên 5m, mặt đường được thảm nhựa, có rãnh thoát nước, vạch kẻ đường, trồng hoa, cây xanh, ý thức, trách nhiệm của các hộ dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh cũng được nâng lên, bộ mặt nông thôn được khởi sắc, khang trang, sạch đẹp. Đến nay 100% các tuyến đường giao thông trên địa bàn thôn Nhân Trạch đã đảm bảo theo yêu cầu tiêu chí xã NTM nâng cao.
* Hiến đất mở đường - “tiền đề” thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Bắt tay vào thực hiện Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thôn Triệu Tiền, xã Đông Tiến (Đông Sơn) có nhiều khó khăn nhất định, nhất là thực hiện tiêu chí giao thông do cần nhiều nguồn lực, dân cư trong thôn sinh sống tập trung, hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư theo chuẩn bộ tiêu chí cũ, tương đối nhỏ hẹp. Để xây dựng thành công chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, công tác tuyên truyền vận động có vai trò, ý nghĩa quyết định để Nhân dân hiểu rõ, đồng thuận, chung sức tham gia hiến đất xây dựng NTM, hoàn thành các tiêu chí, nhất là tiêu chí giao thông.
Trên cơ sở các chính sách, cơ chế hỗ trợ, chủ trương hỗ trợ đầu tư của các cấp, Ban phát triển thôn Triệu Tiền đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thôn tham gia bằng nhiều hình thức thông qua các hội nghị họp thôn, họp tổ dân cư, các buổi phát thanh trên hệ thống loa của thôn, in ấn tờ rơi và lấy phiếu xin ý kiến các hộ dân về chủ trương xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cụ thể, đã tổ chức 6 cuộc hội nghị tại nhà văn hóa thôn, in trên 500 tờ rơi và 100% các hộ dân được lấy phiếu xin ý kiến về mặt chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, 100% người dân đồng ý chủ trương xây dựng NTM trên địa bàn. Đồng thời, phân công thành viên trực tiếp đến tuyên truyền, vận động tại hộ nắm bắt tư tưởng, động viên Nhân dân chung tay để xây dựng NTM, tham gia cùng các tổ tuyên truyền của xã, phối hợp với chủ đầu tư tới vận động các hộ dân hiến đất mở rộng đường. Trong quá trình triển khai thực hiện mỗi thành viên Ban phát triển thôn là người sẽ thực hiện trước trong việc hiến đất, lùi công trình mở đường khi có chủ trương mở rộng tuyến đường đi qua nhà mình.
Nhờ làm tốt công tác vận động nên 100% các hộ dân thôn Triệu Tiền có đất nằm trong phạm vi cần hiến đều nhất trí, đồng thuận, đồng ý hiến đất, đảm bảo tiến độ thi công các tuyến đường. Tính đến nay, toàn thôn đã có 215 hộ dân hiến hơn 5.000m2 đất và các công trình, kiến trúc trên đất (trong đó có 13 hộ hiến các công trình kiên cố) để mở rộng 15 tuyến đường thôn, liên thôn dài 4.894,4 m, rộng từ 4,5 m - 7,5 m. Hệ thống giao thông trong thôn hiện nay rộng, thoáng và được nhựa hóa, bê tông hóa 100%, đảm bảo đi lại thuận lợi cho Nhân dân, tạo điều kiện để phát triển sản xuất và giao thương.
Đồng thời, Chi ủy đã lãnh đạo Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở thôn và thực hiện công tác vận động tuyên truyền trong Nhân dân huy động các nguồn lực từ việc xuất khẩu lao động để đầu tư, nâng cấp, chỉnh trang, xây mới nhà ở, đến nay trên địa bàn thôn không còn nhà tạm bợ, dột nát và 436/436 hộ, đạt 100% có nhà ở đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng; 100% hộ dân đã sắp xếp đồ đạc trong gia đình gọn gàng, khoa học, tiện sử dụng.
Ban phát triển thôn đã vận động được 2 hộ gia đình có vườn trên 500 m2 và 6 hộ gia đình có vườn trên 200m2 đảm bảo sạch sẽ, cảnh quan đẹp, hài hòa, có sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm; có bản vẽ quy hoạch được UBND xã xác nhận để đầu tư xây dựng vườn mẫu. Đến nay tỷ lệ hộ có hàng rào bằng cây xanh hoặc tường rào kết hợp hài hòa với trồng cây xanh, cây hoa là 375/436 hộ, đạt 86%.
* Bố trí thêm nguồn vốn để người dân tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu
Nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã và đang là nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giúp các địa phương thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đã tập trung giải ngân các chương trình TDCS đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh, đã trực tiếp góp phần thực hiện 6/11 nội dung thành phần của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và 8/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.
Theo đó, chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí số 11 về hộ nghèo. Chương trình cho vay xây dựng nhà ở giúp người vay ổn định cuộc sống, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiêu chí số 9 về nhà ở dân cư. Các chương trình cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế, tạo việc làm đã thu hút, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, tăng thu nhập cho người vay vốn; góp phần thực hiện tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Chương trình học sinh, sinh viên góp phần thực hiện tiêu chí số 14.2 về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học, tiêu chí số 14.3 về tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo. Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn góp phần thực hiện tiêu chí số 17.1 về tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định, tiêu chí số 17.6 về tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch, tiêu chí số 17.7 về tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình TDCS, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, đề nghị UBND tỉnh bố trí thêm nguồn vốn để bù đắp vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người dân tại các xã khu vực II, III đã lên NTM để người dân tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn làm giàu chính đáng.
* Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền trong phong trào hiến đất xây dựng NTM
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá, là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Triệu Sơn đã ban hành Nghị quyết số 12 về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với vận động Nhân dân hiến đất, mở rộng đường giao thông.
Để thực hiện cuộc vận động Nhân dân hiến đất, huyện xác định cần phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự tham gia của cả hệ thống chính trị để tạo thành phong trào được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân. Nội dung, phương pháp, cách làm phải đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích xã hội và lợi ích của người dân; kết hợp nguồn lực hỗ trợ, đầu tư từ ngân sách Nhà nước với nguồn lực đóng góp của Nhân dân; kết hợp Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo định hướng phát triển đô thị. Nghị quyết cũng đặt ra tiêu chí mở đường vượt chuẩn tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.
Cùng với đó, ban hành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nguồn lực từ ngân sách của huyện cho các xã, thị trấn có thêm nguồn lực để vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thôn. Cán bộ bám sát cơ sở, trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện nghị quyết, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc để có phương án giải quyết phù hợp với tình hình thực tế. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng từ huyện đến cơ sở, với điều kiện của từng địa phương.
Tính đến 25/3/2024, toàn huyện đã hiến được 462 km; diện tích hiến đất là 48,9 ha; số thôn đã thực hiện hiến đất là 254/254 thôn, đạt 100%; số hộ đã hiến đất là 15.514 hộ; tổng kinh phí huy động ước khoảng 3.700 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc hiến đất mở đường trên địa bàn huyện cũng gặp một số khó khăn, đó là: Nguồn lực từ ngân sách của các xã, thị trấn hạn chế, nhiều địa phương không có nguồn thu để xây dựng phương án hỗ trợ cho Nhân dân; số cột điện phải di dời nhiều; một số địa phương, một bộ phận người dân vẫn còn trông chờ ỷ lại vào hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Để tiếp tục thực hiện phong trào hiến đất mở đường, huyện Triệu Sơn xác định phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cán bộ trực tiếp vận động Nhân dân phải “thuộc bài” và biết cách chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương có cách làm hay, sáng tạo. Cán bộ vận động phải sâu sát, kiên trì thuyết phục “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, “dễ làm trước, khó làm sau”. Kết hợp hiệu quả các nguồn lực, trong đó chủ yếu huy động từ Nhân dân, với phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”. Thực hiện tốt quy chế dân chủ đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Để phong trào hiến đất trở thành phong trào phát triển sâu rộng, huyện mong muốn tỉnh nghiên cứu hỗ trợ xi măng để Nhân dân đổ bê tông các tuyến đường đã hiến nhưng chưa có kinh phí làm đường, làm mương thoát nước cũng như di chuyển cột điện; có cơ chế hỗ trợ kinh phí để phát động Nhân dân hiến đất mở đường trên các tuyến đường tỉnh, để hệ thống giao thông được đồng bộ.
* Đồng bào Mường tích cực hiến đất làm đường
Ngọc Sơn là xã miền núi của huyện Ngọc Lặc với dân số 5.017 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường chiếm 87% sinh sống. Năm 2012, xã Ngọc Sơn triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Đến năm 2017 xã mới thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 36%. Hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu, phần lớn đường giao thông liên thôn là đường đất đi lại lầy lội vào mùa mưa, khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, xã Ngọc Sơn đã rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện trạng các tuyến đường trên địa bàn và vận động Nhân dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Khi có chủ trương mở rộng đường làng, ngõ xóm xây dựng NTM thì đồng bào dân tộc ở xã Ngọc Sơn đều ủng hộ, tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để làm đường giao thông. Trong đó, năm 2019, Nhân dân trong xã hiến hơn 17.000m2 đất các loại; năm 2021, 2022 hiến hơn 12.800m2 và năm 2023 là 19.634,7m2 đất các loại. Cùng với đó, người dân đã tự nguyện phá dỡ nhiều công trình, vật kiến trúc, như: Cổng, bán bình, tường rào và cây cối hoa màu và đóng góp thêm tiền để đổ bê tông, mở rộng đường, xây mương thoát nước. Đáng chú ý, khoảng 96% các hộ tham gia hiến đất mở rộng đường giao thông đều là đồng bào dân tộc Mường. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã Ngọc Sơn có 35,6km đường bê tông rộng từ 3m - 7,5m (đạt 100%) và 12,7km mương thoát nước. Toàn xã đã thực hiện hệ thống điện chiếu sáng công cộng 30,5km, 12 bộ cột đèn trang trí được thiết kế và kết đèn dây bóng nháy từ nguồn đóng góp của Nhân dân. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc xã Ngọc Sơn đã trồng được 26,5 km hàng rào xanh tại các hộ và khu công cộng.
Với sự nỗ lực của cán bộ, Nhân dân, tháng 9/2019 xã Ngọc Sơn được công nhận đạt chuẩn NTM và đang bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2024-2025, xã Ngọc Sơn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được. Trong đó, tập trung hoàn thiện các thiết chế văn hóa, phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự; tập trung cải tạo và giữ gìn vệ sinh môi trường, hướng đến môi trường sinh thái đẹp, bền vững để định hướng phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra nhiều giá trị từ cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
* Góp sức cùng quê hương xây dựng NTM
Rời quê hương từ năm 1992 vào miền Nam mưu sinh lập nghiệp, song tôi luôn hướng về quê hương, luôn muốn đóng góp cho quê hương Xuân Thọ (Triệu Sơn), làm điều có nghĩa cho địa phương. Cách đây 2 năm, huyện Triệu Sơn có chủ trương vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của người dân, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện và có thể trở thành đô thị. Tôi đã bàn với vợ con dành một phần kinh phí tích lũy được để hỗ trợ xã Xuân Thọ xây dựng một số công trình thiết yếu như trường học, làm đường giao thông nông thôn và một số công trình khác với tổng trị giá khoảng 50 tỷ đồng. Với tôi, đây là những việc làm hết sức thiết thực, ý nghĩa góp phần cùng với quê hương xây dựng NTM.
Bản thân tôi và gia đình cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi đã đóng góp một phần để xây dựng quê hương. Mỗi lần về thăm quê, thấy tỉnh Thanh Hóa ngày càng phát triển, diện mạo, bộ mặt nông thôn thay đổi cơ bản; những người con xa quê như tôi rất phấn khởi, vui mừng với kết quả đạt được trong triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của tỉnh. Đồng thời, tôi luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là chủ trương đúng đắn của huyện Triệu Sơn về vận động Nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Tôi cũng mong muốn những người con quê hương Thanh Hóa, hãy phát huy tinh thần đoàn kết, đang làm ăn sinh sống trên mọi miền Tổ quốc, trong nước cũng như ngoài nước, dù ở đâu, làm ăn, sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực nào, nếu có điều kiện hãy hướng về quê hương, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp.