Nhiều lần đổ vỡ và những đắn đo khiến vốn đầu tư nước ngoài 'rót' vào hàng không chưa đạt kỳ vọng
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch VABA cho rằng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hàng không vẫn chưa đạt kỳ vọng dù có nhiều tiềm năng. Nhiều yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài đắn đo đầu tư vào lĩnh vực này, trong đó, tỷ lệ vốn góp tối đa 34% như 'chiếc áo chật'...
Chia sẻ gần đây về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực hàng không, TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), cho biết các nhà đầu tư nước ngoài từ sớm đã tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng không như kinh doanh suất ăn, hàng hóa, vận chuyển hàng không.
Cụ thể, từ những năm 1990, có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia liên doanh trong lĩnh vực chế biến suất ăn, làm kho hàng hóa Tân Sơn Nhất. Đây là những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư cũng như giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh về quy mô và chiều sâu, giúp ngành hàng không phát triển, hội nhập cũng như tiếp thu công nghệ.
NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI ĐẦY THẬN TRỌNG
Luật Đầu tư các năm 2014, 2020 cùng các nghị định điều chỉnh nhiều nội dung, nhằm tháo gỡ rào cản để các nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực khác thuộc lĩnh vực kinh doanh hàng không; đồng thời, tạo nhiều điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư, kể cả tham gia vào lĩnh vực vận tải hàng không. Chính vì vậy, thời gian qua có một số nhà đầu tư đăng ký tham gia đầu tư vào một số hãng hàng không, kể cả hãng hàng không quốc gia.
Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VABA, đầu tư nước ngoài lĩnh vực hàng không vẫn chưa đạt kỳ vọng dù có nhiều dư địa, tiềm năng.
Cụ thể, ông Nề chỉ rõ nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực hàng không đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi đó, hiệu quả đầu tư thấp nên các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước khá thận trọng.
Cùng với đó, những quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hay khó khăn, rủi ro cao của các doanh nghiệp kinh doanh liên quan lĩnh vực hàng không, nhất là sự suy giảm nghiêm trọng bởi đại dịch và bất ổn giữa các khu vực, cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài đắn đo đầu tư vào lĩnh vực này.
"Quy định hiện nay về tỷ lệ tham gia vốn vào doanh nghiệp vận tải hàng không, nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34%. Đây cũng là yếu tố hạn chế khi nhà đầu tư muốn tăng tỷ lệ tham gia vốn góp để thực hiện mục tiêu kinh doanh dài hạn", ông Nề nêu rõ.
Một điểm nữa, tỷ lệ tham gia vốn của doanh nghiệp nước ngoài trong kinh doanh hàng không và vận chuyển hàng không cũng chính là một trong những vấn đề được quan tâm trong giai đoạn vừa qua.
Cách đây hơn 10 năm, chính sách này được cho là khá thông thoáng khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hàng không Việt Nam hoặc liên doanh liên kết thành lập hãng bay mới, với mức vốn góp lên tới 49%.
Cụ thể, từ năm 2007, tại Khoản b Điều 10 Nghị định 76/2007/NĐ-CP ngày 9/5/2007 về kinh doanh hàng không và vận chuyển hàng không chung quy định: “Nước ngoài không chiếm quá 49% vốn điều lệ đối với hãng hàng không, hoặc 49% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung; một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ”.
Tiên phong là việc Tập đoàn Qantas của Australia năm 2007 rót 50 triệu USD (khoảng 890 tỷ đồng thời điểm đó) mua lại 30% vốn tại Jetstar Pacific. Trong cuộc đua với hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á AirAsia, Qantas thắng chung cuộc, trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên góp vốn vào một hãng hàng không của Việt Nam.
Về phía AirAsia, sau thất bại trên, vẫn kiên trì tìm đối tác để tiếp tục lập hãng hàng không mới tại Việt Nam. Lần này, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được chọn và hai bên đạt được thỏa thuận chung. Theo đó, AirAsia lo về phần bay và góp 30% vốn, Vinashin lo các thủ tục, giấy phép để lập liên doanh hàng không giá rẻ. Tuy nhiên, kế hoạch của AirAsia một lần nữa đổ vỡ cũng chính bởi lý do liên quan đến phần góp vốn của nhà đầu tư ngoại.
Tiếp đó, năm 2013, Nghị định 30/2013/NĐ-CP ngày 8/4/2013 về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung ra đời lại siết chặt điều kiện nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư quá 30% vốn điều lệ tại một hãng hàng không.
Quy định này được giữ nguyên tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
NỚI ROOM LÊN 34% VẪN CHƯA ĐẠT KỲ VỌNG
Theo ghi nhận, năm 2019 đánh dấu bước phát triển ấn tượng của thị trường hàng không, nhiều chỉ tiêu chứng kiến tốc độ tăng trưởng vượt bậc.
Cụ thể, thống kê từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP (ACV) cho thấy sản lượng vận chuyển toàn mạng cảng năm 2019 đạt 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018. Hệ thống cảng hàng không Việt Nam được mở rộng và nâng cấp, với 22 cảng hàng không, gồm 12 cảng hàng không quốc tế và 10 cảng hàng không nội địa.
Các cảng hàng không được đầu tư ngày càng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khả năng tiếp nhận tàu bay, trong đó, 25% các cảng hàng không đạt cấp 4D, 4E có khả năng tiếp thu tàu bay thân rộng như B777, B747 và tương đương.
Cùng với đó, 45% các cảng hàng không đạt cấp 4C, có khả năng tiếp thu tàu bay A320/A321 và tương đương; 30% các cảng hàng không đạt cấp 3C là cảng hàng không nội địa có khả năng tiếp thu tàu bay CRJ900/ATR72/F70...
Sau hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hóá đường hàng không tại Việt Nam chứng kiến bước tăng trưởng ngoạn mục, với tốc độ bình quân lên tới 15,3%/năm.
Trước sự phát triển bùng nổ của thị trường hàng không Việt Nam khi giữ đà tăng trưởng ở mức hai con số, nhu cầu về nguồn vốn tăng cao cùng những điều kiện gia nhập thị trường hàng không cân bằng hơn giữa các nước..., một lần nữa, đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các hãng hàng không được đặt ra.
Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi một số điều Nghị định 92/2016 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng, trong đó, chính thức cho phép các hãng hàng không Việt Nam bán tối đa 34% cổ phần cho nước ngoài.
Dù vậy, TS. Bùi Doãn Nề cho rằng tỷ lệ 34% không đạt kỳ vọng của các doanh nghiệp. So sánh với các quốc gia trong khu vực, ông Nề cho biết Thái Lan, Indonesia, Campuchia đều cho nhà đầu tư nước ngoài góp 49% vốn, Philippines là 40%...
Bởi thực chất để có quyền phủ quyết một số nội dung theo quy định của Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có vốn điều lệ 35%. Với tỷ lệ 34% khiến nhà đầu tư bỏ tiền ra nhưng không có tiếng nói, không có quyền phủ quyết tại đại hội cổ đông thì khó hấp dẫn nhà đầu tư. Dù vậy vẫn có ý kiến ủng hộ bởi vận tải hàng không có tính đặc thù cao, liên quan đến an ninh quốc gia nên phải đảm bảo sự kiểm soát của doanh nghiệp trong nước.
CẢI CÁCH MẠNH MẼ, CHÍNH SÁCH THÔNG THOÁNG ĐỂ HÚT NHÀ ĐẦU TƯ
Để các doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng không sớm hồi phục, phát triển trở lại mức tăng trưởng cao như trước dịch, Tổng thư ký Hiệp hội VABA, cho rằng cần những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hàng không, từ đó, giúp các hãng hàng không trong nước và thúc đẩy các doanh nghiệp trong hệ sinh thái hàng không như: sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thương mại hàng không cùng sớm hồi phục và phát triển.
"Cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính sẽ là cơ sở, là động lực để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó, có nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động, kinh doanh hàng không", ông Nề nhấn mạnh.
Việc thu hút đầu tư và du lịch sẽ giúp hàng không hồi phục và sớm duy trì mức tăng trưởng nhanh bình quân 18% như trong suốt một thời gian dài 10 năm vừa qua.
Hơn nữa, thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong khi các hãng bay Việt Nam chỉ vận chuyển khoảng 10% sản lượng hàng hóa và phụ thuộc phần lớn vào các công ty giao nhận nước ngoài. Như vậy, dư địa vẫn còn rất lớn.
Hiện các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đang tiếp tục tham gia vào lĩnh vực vận tải, công nghiệp hàng không, đào tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng như cảng hàng không, sân bay. Các cảng sân bay địa phương có tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế hay lĩnh vực đào tạo và công nghiệp hàng không được các nhà đầu tư quan tâm.
Điển hình như "ông lớn" Boeing đang tiếp tục rót các khoản đầu tư vào Việt Nam, giúp phát triển ngành hàng không vũ trụ bản địa, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy sự đổi mới. Gần đây, Boeing hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO) và Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam (VNSC) giúp xây dựng nền tảng kỹ thuật phân tích dữ liệu vệ tinh phục vụ công tác giám sát môi trường và nông nghiệp bền vững.
Lĩnh vực đào tạo cũng thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vốn hoặc liên doanh với các doanh nghiệp trong nước, mở ngành nghề đào tạo người lái máy bay, quản trị chuyên ngành hàng không và nhân viên kỹ thuật nhằm khai thác mặt bằng tại chỗ, giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các hãng hàng không trong nước và khu vực.
Với chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước, của địa phương thông thoáng sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu và lựa chọn đầu tư vào lĩnh vực hàng không tại Việt Nam, tạo sức bật cho lĩnh vực này phục hồi nhanh chóng.