Nhiều mô hình thiết thực giúp đồng bào vùng biên Gia Lai, Kon Tum
Vùng biên giới Tây Nguyên nói chung, Gia Lai, Kon Tum nói riêng đang khởi sắc từng ngày. Những vùng đất hoang hóa sau chiến tranh xưa kia nay đã trải dài một màu xanh cây trái, đời sống của bà con các dân tộc ổn định, phát triển.
Thành quả đó có sự tiếp sức, giúp đỡ rất lớn của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn.
Cái nắng vùng biên giới đầu mùa khô thật oi bức, khó chịu, nhưng trên trục Quốc lộ 14C từ xã Mô Rai (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) Bắc Tây Nguyên đến hết huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), hai bên đường là những ngôi làng trù phú, những chuyến xe nối nhau chở mì (sắn), cà phê, cao su, điều… về xuôi. Ông H Rách Láo, Chủ tịch UBND xã Mô Rai tâm sự với chúng tôi: “3 năm gần đây, được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Công ty 78 (Binh đoàn 15) và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kon Tum nên cơ sở hạ tầng được củng cố, đặc biệt nhận thức về thời gian lao động, về kỹ thuật canh tác, trồng, chăm sóc, thu hoạch cây trồng của bà con được nâng lên. Trước đây, bà con đi làm lúc 8-9 giờ, đến 15 giờ đã về, nay thì 6 giờ họ đã đi làm, số công nhân cạo mủ cao su đi làm từ 3 giờ, khoảng 17-18 giờ bà con mới về. Cây trồng theo mùa vụ, thu hoạch theo thời gian nên hiệu quả cao hơn, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng phát triển. Những việc làm của bộ đội rất thiết thực, hiệu quả. Nếu như Tỉnh lộ 674 nối từ xã Sa Sơn lên Mô Rai được đầu tư, phát huy hiệu quả nữa thì “ốc đảo” Mô Rai sẽ trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, quốc phòng”.
Để giúp bà con vùng biên giới phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15, Bộ chỉ huy BĐBP, Bộ CHQS tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã phối hợp chặt chẽ trong công tác bám nắm địa bàn, bám dân, giúp dân với nhiều mô hình, cách làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Nếu như Binh đoàn 15 xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả mô hình “Làng công nhân nơi biên giới”, “Cây lúa xen canh”, “Hũ gạo gắn kết”, “Vườn cây Binh đoàn”… thì BĐBP tỉnh Gia Lai và Kon Tum lại triển khai thành công mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, “Cây lúa nước trên núi”… cùng với Cuộc vận động “Hũ gạo vì người nghèo”, “Tặng bò sinh sản cho gia đình nghèo”...
Theo Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15: Tuy vẫn còn những khó khăn nhất định do giá mủ cao su xuống thấp nhưng đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị bạn nắm và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề bất cập xảy ra, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là vùng biên giới. Binh đoàn triển khai cho cán bộ, chiến sĩ thường xuyên bám thôn làng, bám dân, biết bà con đang thiếu cái gì, cần cái gì để bàn cách giúp đỡ, với phương châm “không dàn trải, có trọng tâm, trọng điểm, đặt tính hiệu quả lên trên hết”. Từ nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền và bà con địa phương, thời gian qua, Binh đoàn 15 tiếp tục tuyển công nhân, ưu tiên con em bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Phát huy hiệu quả mô hình “Gắn kết hộ”, để bà con người Kinh và người DTTS đoàn kết, giúp nhau sản xuất, xóa bỏ tập tục lạc hậu, đoàn kết quân dân xây dựng cuộc sống mới, làm thất bại âm mưu kích động chống phá của kẻ thù, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên vùng biên giới Gia Lai, Kon Tum nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
Từ năm 2018 đến nay, Binh đoàn 15 vận động cán bộ, công nhân, người lao động tự nguyện đóng góp và trích quỹ hàng chục tỷ đồng để hướng dẫn, hỗ trợ cây giống cho bà con vùng biên giới Gia Lai, Kon Tum trồng hơn 826ha lúa trên đất tái canh; xây dựng và đưa vào hoạt động làng quân dân ở biên giới Đức Cơ (Gia Lai); xây dựng và bàn giao 41 ngôi nhà đại đoàn kết, nhà chính sách; hỗ trợ bà con gần 45 tấn gạo mùa giáp hạt; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 7.100 lượt người; trao 14 cặp bò sinh sản tặng các hộ nghèo, đào tạo, đào tạo lại cho hơn 7.630 lượt công nhân, người lao động… Cùng với đó, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã tổ chức đón nhận, nuôi dưỡng, tạo điều kiện ăn học tại đơn vị cho 20 cháu, con em bà con dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”, hỗ trợ 125 cháu học tập (500.000 đồng/cháu/tháng) theo Chương trình “Nâng bước em đến trường”; 40 cháu trong mô hình “Bếp ăn tình thương”… Bộ CHQS tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã điều động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ về với bản làng, vận động, hướng dẫn, giúp dân phát triển kinh tế, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 1.350 lượt người, thu hoạch vụ mùa, xây nhà tình nghĩa, làm đường nông thôn mới... Kết quả từ những mô hình, cách làm cụ thể trên góp phần giúp đồng bào vùng biên thoát nghèo bền vững.