Nhiều ngân hàng áp dụng mô hình tự phục vụ

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, sau dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank của Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), thị trường đã và đang chứng kiến việc nhiều ngân hàng dần đưa vào các mô hình self-service (tự phục vụ).

Chẳng hạn, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã triển khai hệ thống CRM (Cash Recycling Machine) - máy giao dịch tự động thế hệ mới có tính năng ưu việt hơn các máy ATM thông thường. Theo đó, CRM ngoài chức năng rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn…, còn bổ sung tính năng nộp tiền mặt, cung cấp cho khách hàng dịch vụ 24/7 mà không cần tới giao dịch viên.

Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB) cũng có dịch vụ SmartBank, cho phép khách hàng tự thực hiện tất cả giao dịch, từ rút/nộp tiền mặt, phát hành thẻ, gửi tiết kiệm… Ngoài ra, ứng dụng ngân hàng số App MBBank với hệ thống MB SmartBank được kết nối để giúp khách hàng có thể đồng bộ giao dịch O2O - Online to Offline và ngược lại.

Hay như với Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), có dịch vụ ngân hàng số toàn năng VPBank NEO. Đây là ngân hàng số không chi nhánh, không phòng giao dịch, cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến ngay trên điện thoại thông minh bằng công nghệ định danh điện tử eKYC. Còn tại Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBank) cũng đã đưa vào khu vực self-service (tự phục vụ) tại ngân hàng…

Theo các chuyên gia, để tồn tại và phát triển trong thời kỳ hậu Covid-19, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cần phải được tăng tốc và tự điều chỉnh theo hành trình khách hàng. Đặc biệt, nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm phải được thúc đẩy bởi lãnh đạo, nhân viên và các giải pháp, sáng tạo triển khai theo nhu cầu của khách hàng, gia tăng các giá trị đa chức năng trong từng giai đoạn.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/1011136/nhieu-ngan-hang-ap-dung-mo-hinh-tu-phuc-vu