Nhiều ngân hàng cán đích lợi nhuận cả năm
Một số ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh năm 2024, trong đó không ít nhà băng cho biết đã cán đích lợi nhuận, thậm chí vượt chỉ tiêu cả năm.
Cán đích
Sacombank cho biết, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng trong quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và cả năm 2024 ước đạt trên 12.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay, vượt chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông giao. Các chỉ tiêu sinh lời ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) ước đạt 1,46%, ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) ước đạt 20,23%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Sacombank ước đạt trên 29 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, huy động vốn và dư nợ tín dụng ước đạt lần lượt 649.000 tỷ đồng và 542.000 tỷ đồng, đều tăng 12% so với cùng kỳ. Đồng thời, Sacombank tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, xử lý được gần 10.000 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, góp phần củng cố chất lượng tài sản.
Chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư HDBank 2024 mới đây, ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính HDBank cho biết, Ngân hàng tin tưởng sẽ vượt chỉ tiêu lợi nhuận 15.852 tỷ đồng đã thông qua trước đó, dự kiến đạt trên 16.000 tỷ đồng. Trước đó, HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng trong 9 tháng đầu năm, với lợi nhuận hợp nhất trước thuế 12.655 tỷ đồng, tăng 47% và thực hiện 79,8% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong 11 tháng đầu năm 2024, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 4.100 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm là 4.000 tỷ đồng. Tỷ lệ biên lãi ròng (NIM) ngày 30/11/2024 lên mức 3,68% so với mức 3,6% tại cuối quý II/2024. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những thách thức của nền kinh tế, nhưng tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Nam A Bank được kiểm soát chặt chẽ với CAR đạt 11% - vượt xa mức quy định là 8%. Các chỉ số an toàn khác đảm bảo trong giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
TPBank cũng công bố kết quả kinh doanh 11 tháng năm 2024, với lợi nhuận trước thuế hơn 7.100 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cuối năm trước. Như vậy, tổng lợi nhuận của TPBank trong 11 tháng cao hơn lợi nhuận cả năm 2023 và dự kiến lợi nhuận cả năm 2024 tăng 34% so với năm 2023.
Nhờ quý IV
Sở dĩ lợi nhuận nhiều nhà băng cán đích là nhờ tín dụng tăng tốc trong quý IV. NHNN cho biết, đến ngày 13/12, tín dụng tăng 12,5%. Tại Agribank, năm 2024 tổng tài sản tăng 7%, nguồn vốn tăng trên 6%, dư nợ tăng 11%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%, lợi nhuận trước thuế tăng 8%.
Tại VietinBank, đến hết tháng 11/2024, tổng tài sản ước đạt hơn 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2023; tín dụng tăng trưởng 14,2%; nguồn vốn huy động đạt gần 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2023; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,1%.
BIDV dự kiến kết thúc năm 2024 hoàn thành các mục tiêu NHNN, Đại hội đồng cổ đông giao. Theo đó, quy mô tổng tài sản sẽ vượt mốc 2,6 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 14%.
Vietcombank đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do NHNN, Đại hội đồng cổ đông giao. Dự kiến đến cuối năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức 13% đạt quy mô trên 1,4 triệu tỷ đồng, tổng tài sản đạt gần 2 triệu tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%...
Trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, lợi nhuận sau thuế quý IV/2024 các ngân hàng trong danh sách theo dõi sẽ tăng 14,5% so cùng kỳ và tăng trưởng 11,1% so với quý III. Theo đó, với TPBank, dự báo lợi nhuận quý IV tăng mạnh 172% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu từ mức nền thấp của năm ngoái.
Đối với VPBank, MBS dự báo lợi nhuận quý IV sẽ tăng 108% so cùng kỳ, trong đó tín dụng được thúc đẩy mạnh khoảng 8% so với đầu năm, NIM được duy trì ở mức 6%. Chi phí trích lập dự phòng trong quý dự báo giảm 11% so với cùng kỳ và tương đương với quý trước. Ngoài ra, FECredit ước tính ghi nhận khoảng 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý IV, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của VPBank.
Các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Techcombank, ACB, VietinBank được MBS dự báo lợi nhuận quý IV/2024 tăng trưởng từ 3% đến 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù lợi nhuận trên đà tăng, song theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM), xu hướng nợ xấu đang đi lên, nhất là sau ngày 31/12/2024 nếu không được gia hạn thời gian tái cơ cấu nợ. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VCBS cũng cho rằng, áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi trong trường hợp Thông tư 02/2023/TT-NHNN không được gia hạn sau ngày 31/12/2024.
Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập tăng cao trong quý IV/2024 và năm 2025. Vì thế, lợi nhuận sẽ bị tác động và ăn mòn, nhất là đối với những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ dự phòng mỏng, sẽ gặp thách thức khi phải tăng trích lập dự phòng.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/nhieu-ngan-hang-can-dich-loi-nhuan-ca-nam-d235816.html