Nhiều ngân hàng hé lộ tăng trưởng tín dụng ấn tượng trong nửa đầu năm
Cho vay khách hàng tại NCB 6 tháng ước đạt gần 86.835 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với đầu năm. Tại TPBank, KienlongBank, Nam A Bank..., mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm cũng đạt hai chữ số.

Tín dụng tăng ấn tượng tại nhiều ngân hàng
Là ngân hàng mới nhất hé lộ kết quả kinh doanh quý II và nửa đầu năm đầy khởi sắc, NCB (mã NVB) cho biết cho vay khách hàng 6 tháng ước đạt gần 86.835 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với đầu năm và đạt hơn 90% kế hoạch cả năm. Tổng huy động vốn (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) cũng bật tăng 19,6% đạt hơn 120.148 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm trong bối cảnh mức lãi suất huy động chung trên thị trường đang ở mức thấp.
Với động lực từ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, ước tính tổng thu nhập lãi thuần 6 tháng của NCB đạt 1.262,5 tỷ đồng, tăng 155% so với cùng kỳ 2024. Lãi ròng nửa năm đạt hơn 462 tỷ đồng, tăng mạnh 77 lần so với mức thực hiện 6 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm ngoái và là mức lợi nhuận bán niên cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại đây của ngân hàng.
Không riêng NCB, đa số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm đến thời điểm này đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng ấn tượng.
Tại TPBank (mã TPB), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm ước đạt trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Tín dụng tăng trưởng ước khoảng 11,7%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng – những mảng mang lại biên lãi ròng cao.
Với kết quả này, sau nửa đầu năm, TPBank đã hoàn thành gần 46% mục tiêu lợi nhuận và đi quá nửa kế hoạch tăng trưởng tín dụng của cả năm.
Theo báo cáo tài chính quý II/2025 vừa công bố, KienlongBank (mã KLB) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt 921 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 67% so với cùng kỳ 2024 và hoàn thành khoảng 2/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 30/6/2025 đạt hơn 69.547 tỷ đồng, tương đương tín dụng tăng 13,2% so với đầu năm. Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng gần 16% đạt 71.000 tỷ đồng. Như vậy kết thúc nửa năm, KienlongBank đã hoàn thành phần lớn mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, mã NAB), lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm ước đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024. Dư nợ tín dụng đạt gần 193.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7% so với đầu năm trong khi huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt gần 211.000 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 22%.
Trong khi tín dụng có chiều hướng tăng mạnh tại các ngân hàng TMCP thì ở nhóm quốc doanh, mức tăng cho thấy sự thận trọng hơn.
Tại Vietcombank (mã VCB), ước tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn ngân hàng đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Nếu không bao gồm hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ hỗ trợ VCB Neo, mức tăng đạt 7,5%.
Thông tin từ ban lãnh đạo VietinBank (mã CTG), trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tại ngân hàng tăng trưởng khoảng 10% so với cuối năm 2024 trong khi nguồn vốn huy động ước tăng hơn 9%.
Còn theo ban điều hành Agribank, tính đến 30/6/2025, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6% so với đầu năm, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Nguồn vốn huy động đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm, cao nhất từ năm 2021 trở lại đây.
Tăng trưởng tín dụng cả năm dự báo vượt mục tiêu 16%

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 9,9%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ 3 năm gần nhất. Ảnh: MBS Research.
Để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 đạt 16%.
Tính đến cuối tháng 6/2025, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế ước đạt khoảng 9,9%, mức tăng tương đối tích cực so với tình hình giải ngân chậm cùng kỳ năm trước (6%). Động lực tăng trưởng đến từ các lĩnh vực như đầu tư công, bất động sản – vốn được hưởng lợi trong môi trường lãi suất thấp. Theo MBS Research, việc tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong các tháng đầu năm cho thấy nhu cầu vốn đang phục hồi mạnh mẽ.
Theo đó, các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm nay sẽ đạt 17 – 18%, được hỗ trợ bởi các yếu tố gồm nỗ lực giữ nền lãi suất cho vay thấp của Ngân hàng Nhà nước; đà phục hồi của thị trường bất động sản và ngành bán lẻ - tiêu dùng; cùng quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công kéo theo cơ sở hạ tầng phát triển nhanh chóng, kích thích đầu tư từ khối ngoại và khối tư nhân.
Nhóm phân tích KBSV đồng tình rằng bên cạnh xu hướng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ tiếp diễn trong nửa cuối năm. Bên cạnh đó, các chuyên gia kỳ vọng những tín hiệu tích cực hơn về thuế quan và thương mại sẽ giúp dòng vốn tín dụng phân bổ đồng đều hơn sang các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), góp phần củng cố đà phục hồi toàn diện của nền kinh tế.
Khả năng đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế 16% trong năm nay nghĩa là sẽ có khoảng ít nhất 2,5 triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Lường trước nguy cơ lạm phát, cùng với việc đưa mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% cho năm nay, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh lạm phát (CPI) bình quân tăng lên mức 4,5-5%. Đồng thời yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ để có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên nghị trường Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lưu ý rằng trong 5 năm qua, tăng trưởng tín dụng trung bình đạt từ 14 - 15%/năm. Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng trên GDP toàn nền kinh tế đã ở mức 134%. Vốn đầu tư trong nước hiện phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, kể cả vốn trung và dài hạn.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp thực tế. Cùng đó, chính sách tiền tệ sẽ được điều hành linh hoạt, hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo Thống đốc, để tăng trưởng cao, phát triển bền vững, các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính, cần lưu ý cân đối nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm; thời gian phân kỳ, dự phòng vốn cho các dự án để không bị động và không tạo áp lực thu xếp vốn.