Chuyển đổi số khu vực công: Cần đi vào thực chất
Ứng dụng công nghệ số vào khu vực công không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan Nhà nước mà còn giúp doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh dịch vụ công.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn "Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội" do báo điện tử VOV tổ chức ngày 17/7/2025, tại Hà Nội.
Chuyển đổi số khu vực công giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số trở thành yếu tố cốt lõi trong công tác nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính và kinh tế - xã hội.
Việc ứng dụng công nghệ số vào khu vực công không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhà nước và người dân tiếp cận dịch vụ công nhanh.
Đặc biệt, chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển bền vững.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, quá trình chuyển đổi số trong khu vực công cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức về hạ tầng số, đặc biệt ở cấp cơ sở chưa đồng bộ; dữ liệu thiếu kết nối, thiếu chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn nhân lực có nơi chưa đáp ứng yêu cầu, tâm lý e dè đổi mới ở một số nơi. Cùng với đó, hệ thống thể chế và chính sách pháp luật về chuyển đổi số còn chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ; các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng, định danh điện tử, chia sẻ và kết nối dữ liệu giữa các hệ thống thông tin vẫn chưa đầy đủ và thống nhất...

Chuyển đổi số khu vực công giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Ảnh: QL
Bởi vậy, như ông Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) nhìn nhận, cần “chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số và coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.
Cần đi vào thực chất, lồng ghép với phát triển kinh tế
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đặng Tùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, các cơ quan Nhà nước tiếp cận và làm chuyển đổi số từ 2018 thế nhưng chuyển đổi số đi vào đời sống chỉ khoảng 4 năm gần đây.
"Khoảng 2 - 3 năm trước, khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tôi tin chắc rằng, 100% chuyên gia đầu ngành về chuyển đổi số cũng sẽ thấy khó khăn. Với bản thân tôi, khi sử dụng là thấy mạng lag, máy treo, không truy cập được... Nhưng đến nay, có vẻ như nó đang dần trở thành một thói quen, một điều quen thuộc với chúng ta", vị chuyên gia này nói.
Từng được biệt phái về Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình (cũ), ông Tùng Anh đưa ra một nhận xét đáng lưu ý là giờ đây ai cũng nói về chuyển đổi số nhưng ở một mặt trận rất quan trọng với Việt Nam là nông nghiệp thì chuyển động lại chậm, mà có thể nói là chưa thực khả quan.
Chuyên gia này dẫn kinh nghiệm Israel và Nhật Bản chỉ có 2% dân số làm nông nghiệp, nhưng có thể cung cấp đầy đủ lương thực cho cả quốc gia và còn xuất khẩu cũng do nhờ ứng dụng chuyển đổi số và công nghệ hiện đại vào nông nghiệp để tăng năng suất.
Còn chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành nhấn mạnh ý nghĩa của chuyển đổi số là đưa thế giới thật lên thế giới số, rồi dùng các ưu thế, lợi thế của thế giới số như kết nối, lưu trữ, xử lý thông tin... để lại quay lại phục vụ cho thế giới thực, mang lại những giá trị thực cho con người.
Với chuyển đổi số khu vực công, TS Võ Trí Thành cho rằng, để triển khai không chỉ cần nền tảng công nghệ, mà còn cần "cầm tay chỉ việc" đào tạo, hỗ trợ người dân tiếp cận, sử dụng các ứng dụng công nghệ này khi thực hiện các thủ tục hành chính, khi kinh doanh cá nhân... “Chưa bao giờ có một cơ hội thuận lợi để làm chuyển đổi số như bây giờ”, TS Thành nói.
Chia sẻ góc nhìn kinh tế về chuyển đổi số trong khu vực công, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, chuyển đổi số khu vực công mang lại hiệu quả đo đếm, nâng cao năng suất, cải thiện phản ứng chính sách và môi trường kinh doanh. Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng cần duy trì đầu tư bền vững cho dữ liệu và nhân lực và mở rộng AI vào hành chính để nhân đôi lợi ích từ tiết kiệm nhân lực. Xây dựng kiến trúc mở dữ liệu, tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ tư nhân và minh bạch hơn.
“Chuyển đổi số khu vực công sẽ khó tạo ra đột phá thực chất nếu chỉ được nhìn nhận như một nhiệm vụ công nghệ đơn thuần. Thực tiễn trong và ngoài nước đã chứng minh: chỉ khi chuyển đổi số được tích hợp vào quá trình cải cách kinh tế, thể chế, được đo lường bằng hiệu quả phân bổ nguồn lực, năng suất khu vực công và tác động lan tỏa tới thị trường, mới có thể phát huy vai trò là một "nền tảng tăng trưởng mới”, TS Long nói.
Một tinh thần cốt lõi như Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác lập, theo đó, chuyển đổi số không chỉ là mục tiêu, mà còn là phương thức để đổi mới mô hình phát triển quốc gia.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chuyen-doi-so-khu-vuc-cong-can-di-vao-thuc-chat-411000.html