Nhiều ngân hàng lạc quan với kế hoạch lợi nhuận
Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 đang cận kề, các ngân hàng bắt đầu lên kế hoạch kinh doanh để chuẩn bị trình cổ đông.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và tín dụng dự kiến phục hồi mạnh, lợi nhuận của các ngân hàng theo đó cũng được nhận định có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, bức tranh lợi nhuận ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong năm nay.

HDBank dành gói tín dụng ưu đãi 12.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Ảnh: Minh Trang/BNEWS/TTXVN
* Ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận “khủng”
Tại hội nghị nhà đầu tư tổ chức mới đây, ông Phạm Văn Đẩu, Giám đốc Tài chính Ngân hàng TMCP Phát triển Tp.Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết: Năm 2025 ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng 25%, hướng đến nhóm ngân hàng đạt trên 20.000 tỷ đồng lợi nhuận. Các chỉ số hiệu quả duy trì vị thế top đầu trên thị trường, với ROE dự kiến 25% và ROA đạt 2%.
Theo Giám đốc Tài chính HDBank, để đạt kế hoạch tăng trưởng cao, HDBank có chiến lược phát triển riêng, trong đó sẽ đẩy mạnh vào phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và khách hàng cá nhân ở khu đô thị loại 2 và nông thôn. Đây là những khu vực mang lại tiềm năng tăng trưởng lớn và rủi ro thấp cho ngân hàng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tài trợ chuỗi cung ứng, thị trường bất động sản tiếp tục phục hồi cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng của ngân hàng.
Song song đó, năm nay HDBank tiếp tục đẩy mạnh số hóa, mở rộng quy mô giao dịch và thu hút khách hàng mới. Công nghệ được xác định là động lực cốt lõi giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, tối ưu hóa vận hành và mở ra cơ hội tăng trưởng bền vững cho ngân hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng hé lộ kế hoạch kinh doanh năm 2025 trong hội nghị nhà đầu tư tổ chức tuần qua.
Theo bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank, trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm nay khoảng 20-25%. Nếu nền kinh tế diễn biến tích cực, kịch bản sẽ tham vọng hơn.
Năm 2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế 20.013 tỷ đồng. Với kế hoạch trên, năm nay lợi nhuận của ngân hàng này có thể đạt 24.000 - 25.000 tỷ đồng.
Năm nay, VPBank sẽ tiếp tục tập trung vào hai phân khúc chiến lược là bán lẻ và SME, hướng tới mức tăng trưởng 30 - 40%, qua đó mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Cũng trong tuần qua, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, Eximbank lên kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 5.580 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với năm 2024.
Các chỉ tiêu kinh doanh khác cũng tăng đáng kể so với năm trước như: tổng tài sản đạt 265.500 tỷ đồng, tăng 10,8%; huy động vốn đạt 206.000 tỷ đồng, tăng 15,5%; dư nợ tín dụng đạt 195.500 tỷ đồng, tăng 16,2%. Riêng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng giảm từ 2,53% năm 2024 xuống còn 1,99% năm 2025.
Kế hoạch lợi nhuận khả quan của Eximbank được đặt trong bối cảnh ngân hàng này vừa ghi nhận lợi nhuận trước thuế cao kỷ lục sau 35 năm hoạt động. Năm 2024, Eximbank đạt 4.188 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 54% so với 2023, bất chấp những thách thức từ nền kinh tế cũng như xung đột lợi ích giữa các nhóm cổ đông lớn của ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) dự kiến tổng tài sản đến cuối năm 2025 tăng trưởng 22% từ 1.080 tỷ đồng lên 1.318 tỷ đồng. Ảnh: BNEWS phát
* Thận trọng trước những ẩn số khó lường
Trái ngược với mức dự kiến lợi nhuận tích cực của các ngân hàng trên, một số ngân hàng lại đặt chỉ tiêu lợi nhuận một cách thận trọng hơn, trong bối cảnh bức tranh thị trường tài chính toàn cầu còn nhiều ẩn số khó lường.
Năm 2025, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) dự kiến tổng tài sản đến cuối năm 2025 tăng trưởng 22% từ 1.080 tỷ đồng lên 1.318 tỷ đồng; dư nợ tín dụng tăng trưởng 26%; huy động vốn dự kiến tăng trưởng 25%. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế lại được đưa ra với mức độ tăng trưởng khoảng 10%, vượt 20.000 tỷ đồng.
Chia sẻ với nhà đầu tư về điều này, ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc MB cho biết, MB đang xây dựng kế hoạch lợi nhuận tương đối thận trọng trong năm 2025, để dự phòng cho các tình huống xấu có thể xảy ra.
Theo Tổng Giám đốc MB, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay, tuy nhiên tình hình kinh tế tài chính thế giới vẫn còn nhiều diễn biến khó lường, các điểm nóng của thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất đồng USD giảm với tốc độ chậm hơn... Do đó, MB đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng ở mức 10%.
Tuy nhiên, nếu thị trường diễn biến thuận lợi, MB cho biết sẽ nỗ lực làm tốt hơn. Ngân hàng sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong quý I/2025, từ đó sẽ có kế hoạch dự phóng lợi nhuận cụ thể hơn để trình cổ đông tại đại hội thường niên dự kiến tổ chức vào tháng 4/2025.
Bên cạnh đó, năm nay, MB cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng tín dụng phù hợp, duy trì tỷ lệ trích lập dự phòng trên tổng nợ xấu trên 100% để đảm bảo hoạt động an toàn. Đây cũng là một trong những yếu tố sẽ tác động đến lợi nhuận của ngân hàng này trong năm nay.
Ngoài MB, nhóm ngân hàng Big4 cũng lên kế hoạch lợi nhuận thận trọng hơn trong năm 2025. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đặt kế hoạch chỉ tiêu tổng tài sản tăng tối thiểu 10%, lợi nhuận trước thuế tăng 5% so với năm trước. Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đặt mục lợi nhuận trước thuế riêng lẻ khá khiêm tốn, khi tăng 6 - 10% so với năm 2024…
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao, khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những động lực tăng trưởng chính của các ngân hàng thương mại trong năm. Bên cạnh đó, nguồn thu ngoài lãi cũng được kỳ vọng duy trì ổn định nhờ vào quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và mở rộng kinh doanh phi tín dụng…
Giới phân tích dự phóng lợi nhuận nhóm ngân hàng có thể tăng trưởng từ 10 - 20% trong năm nay, nhờ vào việc ngân hàng hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế như các yếu tố xây dựng hạ tầng, bất động sản, tiêu dùng cá nhân...
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital dự báo lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng 17% trong năm nay, nhờ vào tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cao và NIM tăng nhẹ. Trong khi đó, việc chất lượng tài sản tiếp tục phục hồi, cũng như những cải thiện trong cơ cấu cho vay cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận của ngành.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng ước tăng khoảng 15% vào năm 2025. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận sẽ có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối kỳ vọng tăng 12%, nhóm ngân hàng tư nhân năng động kỳ vọng tăng tới 20%, còn các ngân hàng quy mô nhỏ hơn, dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận ở khoảng 8%.
Trước đó, khảo sát của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đầu năm 2025 cũng cho biết, có hơn 85% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương trong năm 2025. Bên cạnh đó, vẫn có 9,6% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2025 và 5,3% kỳ vọng lợi nhuận không thay đổi.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nhieu-ngan-hang-lac-quan-voi-ke-hoach-loi-nhuan/364161.html