Nhiều ngân hàng trên thế giới đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát

Nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng đồng loạt công bố mức lãi suất mới để kiềm chế lạm phát sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất với mức 0,75 điểm %.

Theo đó, các Ngân hàng Trung ương Na Uy và Thụy Sĩ đều đồng loạt thông báo gia tăng lãi suất. Ngân hàng Trung ương Na Uy thông báo tăng lãi suất từ 1,75% lên 2,25%.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) thông báo điều chỉnh tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lên mức 2,5%.

Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng vừa công bố tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5% từ mức 1,75% lên 2,25%, thấp hơn so với mức dự đoán 0,75% của các nhà phân tích.

Mức tăng ít hơn diễn ra khi BOE cho biết họ tin rằng nền kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái, với dự báo GDP trong quý III sẽ âm 0,1%, giảm mạnh so với mức dự báo tăng 0,4% trước đó. Trong quý II, nền kinh tế Anh cũng chứng kiến tăng trưởng âm 0,1%.

 FED công bố điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. (Ảnh: Reuters)

FED công bố điều chỉnh tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. (Ảnh: Reuters)

Tại khu vực Trung Đông, Ngân hàng Trung ương Saudi Arabia đã nâng lãi suất chuẩn thêm 0,75%. Trong khi Ngân hàng Trung ương UAE quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75% lên 3,15% kể từ ngày 22/9.

Ngân hàng Trung ương Qatar cũng tăng các lãi suất chủ chốt thêm 0,75%, nâng lãi suất cho vay lên 4,5% trong khi lãi suất huy động lên 3,75%.

Ngân hàng Trung ương Bahrain cũng nâng lãi suất chính sách đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tuần lên 4%.

Tương tự, Kuwait cũng đưa lãi suất chiết khấu chính tăng thêm 0,25% lên 3%, thấp hơn so với mức tăng mà các nước láng giềng áp dụng. Thành viên còn lại của 6 nước Vùng Vịnh là Oman cũng cho biết sẽ có động thái tương tự.

Tại Châu Á, Nhật Bản đã phải tuyên bố có động thái can thiệp, dùng dự trữ ngoại hối mua vào đồng Yen để ngăn đà giảm của đồng tiền này trước USD. Đồng Yen đã mất giá gần 20% trong năm nay, xuống mức thấp nhất trong 24 năm. Đây cũng là lần đầu tiên trong 24 năm, Nhật Bản thực hiện mua vào đồng Yen để can thiệp tỷ giá.

Tại khu vực Đông Nam Á, các Ngân hàng Trung ương Philippines và Indonesia cũng đã đồng loạt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25%.

Với Indonesia, đây là tháng thứ 2 liên tiếp Ngân hàng Trung ương nước này tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát và bình ổn đồng nội tệ - điều nằm ngoài dự báo của phần lớn các chuyên gia phân tích.

Chiều tối qua (22/9), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã công bố tăng một loạt lãi suất điều hành, bắt đầu áp dụng từ hôm nay (23/9). Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ mức 4% lên 5%. Lãi suất không kỳ hạn tăng từ 0,2% lên 0,5%. Lãi suất cho vay qua đêm và vay bù thiếu hụt cũng tăng lên 6%. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất sau thời gian dài giữ ổn định từ tháng 10/2020 đến nay.

Trước đó, rạng sáng 22/9 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm % nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát đang ở mức cao nhất trong 4 thập kỷ qua.

Mức tăng này đã được tất cả các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) ủng hộ, đưa lãi suất cơ bản tại Mỹ lên mức từ 3 - 3,25%, cao nhất từ năm 2008.

Các quan chức FED cho rằng việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rủi ro suy thoái theo đó đang gia tăng.

Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 của Mỹ trong năm nay, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất với mức 0,75 điểm %, biện pháp đã không được dùng đến trong nhiều thập kỷ.

An Tú (T/h)

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nhieu-ngan-hang-tren-the-gioi-dong-loat-tang-lai-suat-de-kiem-che-lam-phat-d32776.html