Nhiều ngành sinh viên chưa tốt nghiệp đã có việc làm nhưng vẫn chật vật tuyển sinh

Một số ngành như Toán tin ứng dụng, Kỹ thuật môi trường, Bảo hộ lao động, Quản lý công… thị trường lao động đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, thế nhưng thí sinh lại chưa thực sự 'mặn mà', công tác tuyển sinh cũng gặp không ít khó khăn.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy sự chênh lệch lớn trong lựa chọn ngành nghề của các thí sinh. Cụ thể, ngành học thu hút nhiều nhất là: Kinh doanh và quản lý, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật. Chỉ 3 ngành này đã chiếm khoảng 46% thí sinh.

Trong khi đó, nhiều ngành khoa học cơ bản lại đang thiếu trầm trọng. Thấp nhất là Nông lâm nghiệp và thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Dịch vụ xã hội. 4 lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng hơn 2% thí sinh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

TS Hoàng Thị Mai, Trưởng khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ (Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội) cho biết, khoa đang đào tạo nhóm ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật với nhiệm vụ và mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt chú trọng đến những ngành cần thiết cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, có một số ngành xã hội có nhu cầu tuyển dụng lớn, đa số sinh viên có việc làm từ năm thứ 3, nhưng thí sinh lại ít quan tâm như Toán ứng dụng, Công nghệ kỹ thuật môi trường.

Theo TS Hoàng Thị Mai, quá trình tư vấn tuyển sinh cho thấy khá nhiều thí sinh vẫn lầm tưởng rằng học Toán ứng dụng chỉ có thể làm việc tại các cơ quan nghiên cứu dẫn đến tâm lý e ngại.“Trên thực tế, ngành Toán ứng dụng chúng tôi đang phát triển theo hướng Toán Tin ứng dụng, có tính chất liên ngành giữa Toán học và Công nghệ thông tin, từ đó mở ra cơ hội việc làm rất tốt cho sinh viên. Nếu như trước đây chuyên ngành này tập trung đào tạo cử nhân đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các mô hình tính toán, giải pháp cho các vấn đề quản lý, thì khi chuyển sang đào tạo theo hướng Toán tin ứng dụng, sinh viên hoàn toàn có thể làm trong lĩnh vực công nghệ. Do đó, thị trường lao động đối với sinh viên ngành này rất rộng mở với những mức lương hấp dẫn, tùy thuộc vào năng lực của sinh viên”, TS Mai cho biết.

Tương tự, ngành học Công nghệ kỹ thuật môi trường cũng rơi vào tình trạng tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo TS Hoàng Thị Mai, với chuyên ngành chính là phân tích môi trường, đầu ra của sinh viên rất rộng. Sinh viên có thể làm việc tại các doanh nghiệp chuyên về xử lý đất, xử lý nước thải hoặc các cơ quan nhà nước quản lý về vấn đề môi trường.

“Hiện nay, các khu công nghiệp cũng luôn cần một bộ phận kỹ thuật liên quan đến chuyên ngành này. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường, trường đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp thường xuyên cung cấp cơ hội việc làm đảm bảo đầu ra cho sinh viên. Chúng tôi hy vọng các em học sinh phổ thông có thể hiểu được ngành nghề và cơ hội này để có sự lựa chọn phù hợp”, TS Hoàng Thị Mai thông tin.

Với ngành Quản lý công, TS Đào Trường Thành, Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị (Trường ĐH Thủ đô Hà Nội) cũng chỉ ra việc tỷ lệ tuyển sinh của ngành này luôn thấp hơn những ngành còn lại trong Khoa như Quản trị kinh doanh, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng hay Tài chính - Ngân hàng.

TS Đào Trường Thành -Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị

TS Đào Trường Thành -Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị

Theo thầy Thành, không ít thí sinh lầm tưởng rằng, học Quản lý công sẽ chỉ làm việc trong các cơ quan nhà nước, bởi vậy, những em không muốn làm việc trong khu vực này đã loại trừ ngay ngành này khi đăng ký tuyển sinh. Tuy nhiên, đây là tư duy chưa thực sự đúng.

TS Đào Trường Thành cho hay, với cùng một ngành đào tạo, mỗi cơ sở đào tạo sẽ có định hướng đào tạo, điểm khác biệt riêng: "Chúng tôi đang đào tạo theo chuyên ngành Quản lý tài chính công. Chương trình đào tạo được thiết kế để người học sau khi tốt nghiệp, ngoài làm việc tại các vị trí trong các cơ quan nhà nước thì hoàn toàn có thể làm việc tại các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức nghề nghiệp khu vực tư khác tại các bộ phận như hành chính văn phòng, nhân sự, kế toán, tài chính"...

Cũng theo TS Đào Trường Thành, thống kê hàng năm cho thấy, sau 6 tháng ra trường, 89% sinh viên ngành Quản lý công có việc làm, trong đó khoảng 80% công tác tại các cơ quan nhà nước, 20% làm việc tại các doanh nghiệp. Hàng năm đều có rất nhiều xã, phường, quận huyện tại Hà Nội và các doanh nghiệp đến trao đổi đặt hàng sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý công, nhưng số lượng sinh viên của Khoa có rất hạn chế.

Năm 2023 là năm đầu tiên trường ĐH Thủ đô Hà Nội tuyển sinh ngành Bảo hộ lao động, chuyên ngành Kỹ thuật An toàn, vệ sinh lao động, nhưng TS Phan Trung Kiên, Trưởng khoa phụ trách đào tạo ngành Bảo hộ lao động cũng xác định, việc đạt chỉ tiêu đề ra không dễ dàng.

TS Phan Trung Kiên cho rằng, ngành Bảo hộ lao động đang rất khát nhân lực song thí sinh lại ít quan tâm

TS Phan Trung Kiên cho rằng, ngành Bảo hộ lao động đang rất khát nhân lực song thí sinh lại ít quan tâm

“Năm đầu tiên tuyển sinh, nhà trường không đặt mục tiêu quá nhiều về số lượng, trước hết tập trung vào đào tạo đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện nay nhu cầu thị trường với ngành này đang rất lớn, song Bảo hộ lao động vẫn là một ngành khá xa lạ với nhiều thí sinh. Để đảm bảo đầu ra, nhà trường sẽ đẩy mạnh việc kết hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, kết nối việc làm. Theo chương trình đào tạo, chỉ từ năm thứ 2, sinh viên đã có cơ hội thực tế tại các doanh nghiệp”, TS Phan Trung Kiên thông tin.

TS Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần các cán bộ thực hiện, triển khai công tác an toàn và vệ sinh lao động, tùy theo quy mô và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Hiện nay cả nước có hơn 800.000 doanh nghiệp, trong đó có 200.000-300.000 doanh nghiệp sản xuất. Đây là những đối tượng cần có cán bộ có chuyên môn về an toàn, vệ sinh lao động để thực hiện các công việc theo quy định.

Hiện nay, thị trường lao động đang cần tuyển một lượng rất lớn nhân lực ngành bảo hộ lao động, song nguồn cung lại rất khan hiếm.

Theo TS Nguyễn Anh Thơ, dù nhu cầu xã hội cao, song số lượng các trường đại học đào tạo ngành này chỉ tính trên đầu ngón tay, đến năm 2023, cả nước có 3 trường đào tạo cử nhân chuyên ngành Bảo hộ lao động, chỉ tiêu đào tạo hàng năm tại các trường hiện nay còn rất hạn chế chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.

“Quá trình khảo sát thực tế tại các cơ sở đào tạo cho thấy hầu hết sinh viên theo học ngành Bảo hộ lao động tại các trường đại học đều có việc làm đúng chuyên môn. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng các kỹ sư Bảo hộ lao động ngay từ những năm cuối đại học. Nhưng những trường đào tạo ngành này cũng rất vất vả tuyển sinh, vì nhiều em còn lạ lẫm, chưa thực sự mặn mà với những ngành kỹ thuật như Bảo hộ lao động”, TS Nguyễn Anh Thơ nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, nhiều ngành khoa học kỹ thuật quan trọng nhưng lại ít thí sinh theo học. Nguyên nhân do quá trình theo học những ngành đó khó khăn, vất vả hơn, cần nhiều trang thiết bị hơn, hay việc truyền thông chưa tốt khiến thí sinh chưa hiểu rõ về đặc điểm ngành nghề, dẫn đến không lựa chọn.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các trường cần khảo sát xã hội để thấy rõ ngành nào đang có nhu cầu lớn, từ đó xây dựng các chính sách đào tạo tuyển sinh cũng như kết hợp với các trường THPT đẩy mạnh hướng nghiệp để thí sinh hiểu rõ về vai trò và cơ hội của mỗi ngành nghề.

Bên cạnh đó cũng cần sự quan tâm của Nhà nước cho các ngành quan trọng như khoa học cơ bản, kỹ thuật công nghệ để giảm bớt khó khăn cho sinh viên khi theo học. Hiện nay Chính phủ đã có một số chính sách hỗ trợ cho các ngành khoa học cơ bản như vật lý, hóa học, toán học cũng như các ngành kỹ thuật công nghệ khác song sự hỗ trợ trực tiếp cho đào tạo chưa được nhiều.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, Bộ đang xây dựng đề án về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển công nghệ cao. Trong đó đề xuất các giải pháp như chính sách hỗ trợ, gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, đào tạo hợp tác quốc tế để tăng sự thu hút của các ngành nghề với thí sinh, tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng như phòng thí nghiệm, thực hành, hỗ trợ đào tạo sau đại học. Đề án này đang được nghiên cứu trình Chính phủ xem xét trong thời gian tới./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nhieu-nganh-sinh-vien-chua-tot-nghiep-da-co-viec-lam-nhung-van-chat-vat-tuyen-sinh-post1017122.vov