Nhiều nghề Hà Nội không tuyển đủ phải về các tỉnh để tuyển lao động

Nhiều ngành nghề về năng lượng thông minh, tái tạo robot không đạt tỷ lệ tuyển dụng tại Hà Nội phải tìm về các tỉnh.

Ngày 19/6, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn thành phố từ năm 2020 đến nay.

Theo báo cáo, trên địa bàn thành phố có 352 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2020 - 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp địa bàn thành phố thực hiện tuyển sinh đào tạo 939.341 lượt người. Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt từ 70% - 80%.

Tại hội nghị, các cử tri đã đề xuất thành phố các chính sách hỗ trợ người lao động trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Cụ thể, cử tri Bà Phạm Thị Vinh (quận Đống Đa) kiến nghị thành phố có chính sách giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm hòa nhập cuộc sống cũng như tạo điều kiện việc làm cho đối tượng này.

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND TP. Hà Nội ngày 19/6

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND TP. Hà Nội ngày 19/6

Cử tri Lê Văn Vui (phường Thụy Khuê quận Tây Hồ) kiến nghị thành phố xem xét thời gian đào tạo nghề cho đối tượng khuyết tật. Đồng thời, có khung đào tạo riêng với từng đối tượng khuyết tật và có việc làm ngay sau khi đào tạo.

Còn cử tri Đào Thị Lan Anh (huyện Gia Lâm) cho rằng, doanh nghiệp tuyển dụng lao động qua các phiên giao dịch việc làm không đạt chất lượng, mất nhiều thời gian đào tạo. Cử tri đề nghị cần quan tâm công tác tuyển dụng lao động; đồng thời các cơ sở đào tạo cần quan tâm, đổi mới chương trình đào tạo.

Quan tâm đến công tác đào tạo nghề, nhiều cử tri cho rằng, các doanh nghiệp vẫn thiếu lao động, nhiều ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhưng tuyển dụng tỷ lệ thấp. Nhiều ngành nghề về năng lượng thông minh, tái tạo robot không đạt tỷ lệ tuyển dụng tại Hà Nội phải tìm về các tỉnh. Vì vậy, Hà Nội cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách đối với các ngành nghề mới, chất lượng cao; cần căn cứ điều kiện gia đình học sinh và theo đối tượng từng vùng miền trong việc đào tạo nghề...

Trả lời kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thời gian tới thành phố sẽ xây dựng lộ trình phát triển các trường nghề. Đồng thời, trang bị cơ sở vật chất cho các trường nghề công lập, quan tâm xứng đáng qua việc hỗ trợ chính sách đặc thù.

Ngoài ra, thành phố cũng sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù cho các đối tượng khuyết tật, thanh niên, người chấp hành xong án phạt tù…

Đối với đào tạo lao động chất lượng cao, bà Hà yêu cầu các sở, ngành, địa phương rà soát, thay đổi phương thức đào tạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên giao dịch việc làm… để đáp ứng xu thế hiện nay.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị thành phố khi triển khai thực hiện cần quan tâm về giải pháp, lộ trình. Đồng thời, đánh giá kỹ lĩnh vực nào cần để đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển, đời sống. Trong đó, cần chú trọng đưa các nghị quyết của HĐND thành phố, chương trình cho vay đào tạo nghề, giải quyết việc làm… vào đời sống.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhieu-nghe-ha-noi-khong-tuyen-du-phai-ve-cac-tinh-de-tuyen-lao-dong-post1647719.tpo