Nhiều ngôi nhà cạnh bờ kè Thanh Đa có nguy cơ trượt về phía dòng kênh

Sở GTVT TP.HCM có văn bản gửi UBND quận Bình Thạnh về việc tổ chức di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm tại khu vực bờ kè Thanh Đa.

Trước thực trạng TP.HCM đang bước vào mùa mưa bão, nguy cơ bờ kè Thanh Đa tiếp tục sụt lún nguy hiểm, Sở GTVT TP đã đề nghị UBND quận Bình Thạnh di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực.

Bất an bên bờ kè Thanh Đa

Chiều 11-6, quay trở lại hẻm 886, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, những vết tích của vụ sạt lở bờ kè Thanh Đa vẫn còn, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn diễn ra như thường nhật.

Đã tròn 1 năm kể từ ngày xảy ra vụ sạt lở, một số hộ dân sống tại hẻm 886, dọc theo bờ kè Thanh Đa đã được di dời, chuyển đi nơi khác sinh sống. Những ngôi nhà từng là nơi sinh sống của nhiều hộ dân giờ chỉ còn lại những bức tường trơ trọi, chưa được tháo dỡ, nhiều vật dụng, đất đá vẫn còn ngổn ngang.

 Nhiều ngôi nhà chỉ còn trơ trọi các bức tường, cây cối, rong rêu phủ kín.

Nhiều ngôi nhà chỉ còn trơ trọi các bức tường, cây cối, rong rêu phủ kín.

 Hiện trường vụ sạt lở không có nhiều thay đổi.

Hiện trường vụ sạt lở không có nhiều thay đổi.

Tuy nhiên, đối với nhiều người dân trong khu vực, vụ sạt lở khiến cho cuộc sống trở nên bất an. Dù vậy, khi được hỏi về việc di dời đi nơi khác, đa phần người dân đều lắc đầu.

Bà Tám Oanh, chủ nhiều căn nhà trọ tại hẻm 886, cạnh bờ kè Thanh Đa, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn còn nhớ như in vụ sạt lở đã xảy ra hơn 1 năm. Phía sau căn nhà của bà, dấu vết của sạt lở, những bậc thềm nứt toác vẫn nằm ngổn ngang.

 Vị trí sạt lở sau nhà bà Oanh.

Vị trí sạt lở sau nhà bà Oanh.

"Sạt lở đã hơn một năm nhưng tôi vẫn còn lo sợ vì không biết nó sẽ quay lại lúc nào. Dù vậy, nếu di dời tôi cũng không biết đi đâu, sống như thế nào. Cả đời gắn bó với mảnh đất này, kinh tế cũng phụ thuộc vào nơi này, nếu phải đi chắc là không nỡ..." - bà Oanh chia sẻ.

 Nhiều hộ dân vẫn không muốn đi nơi khác sinh sống

Nhiều hộ dân vẫn không muốn đi nơi khác sinh sống

Còn ông Minh Thông - một trong những hộ dân sống bên cạnh bờ kè Thanh Đa cho biết: "Những hộ bị sạt lở nhiều đã di dời hết rồi, chỉ còn vài hộ dân không muốn đi. Người dân dù lo lắng những cũng đã quen dần với cuộc sống ở đây rồi, giờ mà lên chung cư, nhà cao tầng ở chắc là không quen."

Có thể thấy, mặc dù việc sạt lở vẫn đang diễn tiến phức tạp, đặc biệt là vào mùa mưa bão nhưng nhiều hộ dân vẫn muốn bám trụ bên cạnh bờ kênh Thanh Đa - nơi họ đã sinh sống bao lâu nay.

Sạt lở vẫn đang diễn biến phức tạp

Theo Sở GTVT, vị trí sạt lở bờ kè Thanh Đa - đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh đã được công bố mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

Cùng với đó, dự án xây dựng 0kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa - đoạn 1.1 đến nay vẫn chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan có thẩm quyền; chưa được ghi vốn chuẩn bị đầu tư. Như vậy, để hoàn tất các thủ tục và khởi công công trình, thời gian dự kiến sớm nhất phải đến năm 2025.

 Sạt lở bờ kè Thanh Đa vẫn diễn biến phức tạp.

Sạt lở bờ kè Thanh Đa vẫn diễn biến phức tạp.

Theo đánh giá của Sở GTVT và UBND quận Bình Thạnh, hiện nay, tuyến bờ kè Thanh Đa - đoạn 1.1 (tại vị trí sụt lún) cách đỉnh kè 10 m xuất hiện các vết nứt 10-20cm dọc theo tuyến kè.

Trong khoảng 10m phía sau đỉnh kè trong khu vực nhà dân đang sinh sống xuất hiện vết nứt, bề rộng vết nứt lớn, hiện tượng sụt lún vẫn tiếp diễn. Từ kết quả khảo sát cho thấy công trình và khu vực nhà dân lân cận vẫn có nguy cơ trượt ra phía lòng kênh.

 Các ngôi nhà cạnh khu vực sạt lở có nguy cơ trượt xuống sông.

Các ngôi nhà cạnh khu vực sạt lở có nguy cơ trượt xuống sông.

Ngoài ra, tuyến kè được thi công vào năm 2007, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2008, đến thời điểm năm 2023 là đã khai thác gần được 15 năm. Như vậy, công trình hiện hữu đã có thời gian khai thác dài, kết cấu và vật liệu đã lão hóa, giảm khả năng liên kết và dễ bị ảnh hưởng khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài (sóng, dòng chảy, chế độ triều, gia tăng tải trọng do xây dựng...)

Tuyến kênh Thanh Đa là đoạn nối tắt của sông Sài Gòn nên lượng phương tiện thủy qua tuyến là rất lớn. Phương tiện di chuyển tạo sóng gây nhiều áp lực, ảnh hưởng đến độ ổn định công trình kè.

 UBND quận Bình Thạnh sẽ khẩn trương di dời thêm 32 hộ dân ra khỏi khu vực này.

UBND quận Bình Thạnh sẽ khẩn trương di dời thêm 32 hộ dân ra khỏi khu vực này.

Hiện nay, TP.HCM đã bước vào mùa mưa bão, nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Sở GTVT đề nghị UBND quận Bình Thạnh khẩn trương di dời dân, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở nguy hiểm.

Theo thống kê khu vực bờ kè Thanh Đa - đoạn 1.1 có 32 hộ dân tiếp giáp bờ kè. Trong đó, 15 hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở nguy hiểm; 17 hộ dân tiếp giáp đỉnh kè khu vực có nguy cơ sạt lở.

Đồng thời, Sở GTVT đề nghị quận Bình Thạnh sớm hoàn tất các thủ tục để triển khai thực hiện dự án xây dựng kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa - đoạn 1.1, phường 25, quận Bình Thạnh theo chỉ đạo của UBND TP.

NHƯ NGỌC - KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhieu-ngoi-nha-canh-bo-ke-thanh-da-co-nguy-co-truot-ve-phia-dong-kenh-post795164.html