Nhiều người châu Âu không còn coi Mỹ là 'đồng minh' nữa

50% số người châu Âu được hỏi coi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là 'đối tác cần thiết' chứ không phải 'đồng minh'.

Theo một cuộc khảo sát, sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump đã dẫn đến một "sự thay đổi đáng chú ý" trong quan điểm của người châu Âu về Mỹ, và ngay cả những người thân thiện nhất với Mỹ cũng không còn coi Washington là đồng minh nữa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CER EU

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CER EU

Theo một cuộc thăm dò do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR) công bố hôm 12/2, phần lớn người châu Âu coi Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là "đối tác cần thiết" chứ không phải "đồng minh", trong bối cảnh căng thẳng giữa EU và Mỹ về thuế quan.

Quan điểm này được 50% số người trả lời khảo sát chia sẻ, và phần lớn những người được hỏi ở các quốc gia truyền thống gần gũi với Mỹ, chẳng hạn như Đan Mạch, Đức và Ba Lan. Chỉ 21% số người được hỏi coi Mỹ là đồng minh.

"Điều này thể hiện sự thay đổi lớn đối với một số quốc gia từng có mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ", ông Pawel Zerka, thành viên chính sách cấp cao của ECFR, cho biết.

"Nhưng điều này có thể hiểu được vì nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn coi liên minh xuyên Đại Tây Dương là một liên minh thực sự nữa, mà là thứ cần phải có tính giao dịch, thì chúng ta cần chấp nhận nó", ông Zerka nói thêm.

Theo nhà phân tích, tình hình này nên được coi là "cơ hội" để người châu Âu cố gắng thiết lập "cách tiếp cận thực dụng đối với Mỹ, thay vì cách tiếp cận lý tưởng".

Khảo sát cho thấy đa phần người châu Âu coi Mỹ là “đối tác cần thiết” chứ không phải “đồng minh”. Đồ họa: The Guardian

Khảo sát cho thấy đa phần người châu Âu coi Mỹ là “đối tác cần thiết” chứ không phải “đồng minh”. Đồ họa: The Guardian

Cuộc thăm dò của ECFR, một tổ chức nghiên cứu, cũng cho thấy sự khác biệt lớn trong nhận thức của người châu Âu về chính "cựu lục địa" và vai trò của châu lục này trên thế giới.

Phe lớn nhất, được gọi là "những người lạc quan về châu Âu", tin rằng EU là một cường quốc và khả năng EU sụp đổ là không thể xảy ra trong vòng 2 thập kỷ tới. Phe này chiếm 30% số người được hỏi, với nhóm lớn nhất đến từ Estonia, Đan Mạch, Ukraine, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Ngược lại, 22% số người được hỏi là "những người bi quan về châu Âu", tin rằng EU không phải là một cường quốc và chắc chắn sẽ sụp đổ.

"Nhiều người nghi ngờ liệu EU có phải là một cường quốc có thể ngang hàng với những nước lớn như Trung Quốc hay Mỹ hay không. Cũng có nhiều người trên khắp EU đặt câu hỏi về khả năng phục hồi của khối và tin rằng có khả năng EU sẽ sụp đổ trong 1-2 thập kỷ tới", ông Zerka cho biết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý rằng những người tin rằng EU sẽ sụp đổ và EU không phải là một cường quốc "thực ra là một nhóm thiểu số".

Cuộc thăm dò được tiến hành tại 11 quốc gia EU – bao gồm Đức, Pháp, Italy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Estonia, Romania, Bulgaria, Hungary – cũng như Ukraine, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh. Tổng cộng số người tham gia cuộc thăm dò là 18.507 người.

Minh Đức (Theo Euronews, The Guardian)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nhieu-nguoi-chau-au-khong-con-coi-my-la-dong-minh-nua-204250213083626338.htm