Nhiều người có mức lương đáng mơ ước vẫn chọn về quê, để rồi rút ra bài học nhớ đời
Trong cuộc sống hiện nay 'niềm vui' cuối cùng được 'định nghĩa' như thế nào?
Nhiều người ôm mộng từ bỏ chốn thành thị, vứt bỏ deadline để về quê xây một căn nhà nhỏ, hưởng cuộc sống bình dị. “Mình muốn về quê vì mình nghĩ cuộc sống nơi đó sẽ thoải mái, ít áp lực và nhẹ nhàng hơn.
Ở quê, đôi khi chỉ cần đi quanh vườn đã có một bữa cơm, nhưng ở thành thị đụng tới cái gì cũng cần có tiền. Lương văn phòng tháng có 10 triệu nhưng tiền nhà đã hết 2 triệu, ăn uống, chi tiêu tiết kiệm hết nấc cũng phải hết khoảng 3 triệu, rồi chưa kể tiền đám cưới, đám hỏi,.. Gọi chung là chi cho việc xây và giữ các mối quan hệ xã hội.
Có tháng chắt chiu lắm mới dư được hơn 4 triệu, tính ra, bươn chải cả năm dư chưa được cái xe Vision. Về quê tháng 5, 6 triệu mà không phải đau đầu với deadline, không bị tra tấn tinh thần của sếp. Cuộc sống có được bao nhiêu đâu, tại sao mình lại phải làm khổ bản thân để chạy đua với đồng tiền. Ở quê mình vẫn sống vui được cơ mà” - chị Thắm Nguyễn chia sẻ.
Tuy nhiên, suy nghĩ ấy đã tồn tại trong chị suốt 3 năm nay, nhưng dự định về quê mãi chỉ là kế hoạch. Có phải về quê là con đường thật sự lý tưởng hay đó chỉ là tín hiệu được phát ra khi chúng ta cảm thấy vô định trong cuộc sống.
Tại sao cơ hội rộng mở ở thành phố lớn nhưng nhiều người vẫn ấp ủ chuyện về quê?
Đôi khi lựa chọn một con đường quen thuộc chỉ vì không thích lối đi của hiện tại. Người khác nhìn vào cảm thấy ngưỡng mộ nhưng chính bản thân lại biết rằng, mình chỉ là một “cỗ máy chạy bằng cơm”.
“Với mức lương trên 30 triệu là quá lý tưởng cho một người trẻ như mình. Mức thu nhập này giúp mình có một cuộc sống khá thoải mái ở nơi thành phố đắt đỏ này. Ngoài ra, mình còn có thể gửi tiền về quê chăm lo cho mẹ mà còn dư một khoản kha khá để tiết kiệm. Tuy nhiên, mình đã xác định từ đầu, đây không phải là công việc mình yêu thích, nhưng vì hoàn cảnh gia đình phải lựa chọn kinh tế, gác lại đam mê, không định ra một mục tiêu cuối cùng cho sự thành công. Mình nghĩ, nếu đã không thể thỏa sức với điều mình yêu thích thì chi bằng lựa chọn cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Đó là lý do tại sao mình có dự định về quê khi cảm thấy đã tích lũy đủ” - anh Khánh Duy bày tỏ.
Lý do không chỉ xoay quanh sự bất mãn giữa công việc yêu thích hay thu nhập, mà còn nằm ở yếu tố môi trường có phù hợp hay không. “Có lẽ thành phố quá lớn, quá nhộn nhịp, vội vàng không phù hợp với tính cách của mình. Trong khi bản thân là người hướng nội, hơi mơ mộng, trầm tính và khép kín một chút. Có lúc do tính chất công việc, bản thân cần phải “thảo mai” với người khác để mọi thứ có thể trở nên dễ dàng hơn, nhưng mình không thích điều đó.
Đặc biệt, mình học Sư phạm nên cơ hội việc làm ở TP.HCM là một điều quá nan giải. Bên cạnh đó, mẹ mình là hiệu phó của một trường tiểu học, chính vì thế gia đình cũng muốn mình trở về tham gia công tác. Ở quê dường như mọi điều kiện đang dang tay mở rộng chào đón vậy. Thật sự đến thời điểm này, sau 2 năm gắn bó với tà áo dài nơi vùng núi Lâm Đồng, mình vẫn chưa bao giờ cảm thấy hối hận. Có lẽ vì môi trường này hợp với mình, chỉ đơn giản thế thôi” - chị Thúy Hồng nói.
Ở một nơi có nhiều cơ hội thì cũng sẽ kèm theo sự cạnh tranh khốc liệt, dù có năng lực nhưng đâu phải cơ hội lúc nào cũng đến với mình. Lắm lúc “đẹp cũng là một tài năng” còn kém xinh một chút lại chật vật suốt quãng đường.
“Bản thân đã nỗ lực suốt 7 năm ở Hà Nội, mình từng đảm nhiệm qua rất nhiều lĩnh vực từ thiết kế 2D, 3D đến quay dựng chuyên nghiệp. Đến thời điểm bây giờ, chạm mốc tuổi 28 nhưng vẫn không có thành tựu nổi bật so với chúng bạn đồng trang lứa hay sự nghiệp gì trong tay. Thậm chí bạn bè xung quanh đã thăng hạng lên mức lương hàng trăm triệu một tháng, còn mình… cứ lẹt đẹt dưới 15 triệu. Có lẽ, ngoại hình hơn 100kg là trở ngại khiến cơ hội không “chạy nhanh” tới mình. Rất nhiều lần mình muốn từ bỏ, nhưng lại cố gắng vì nghĩ rằng thôi… nên cho bản thân thêm một cơ hội” - anh Hữu Tuệ là nhân viên quay và dựng videos cho một công ty âm thanh tại Hà Nội.
Việc yêu thích được định nghĩa như thế nào?
Đa số cho rằng công việc yêu thích bắt nguồn từ lý tưởng của bản thân, lựa chọn theo sở thích. Là những công việc mà khi được làm, họ nhiệt huyết và cảm thấy hạnh phúc vô cùng.
“Mình yêu thích nghề dẫn chương trình, nhưng đây là một lĩnh vực có sức cạnh tranh quá lớn, kèm theo là sự đào thải nhanh và bản thân biết được mình đang ở đâu. Mỗi lần có cơ hội được đứng trên sân khấu mình cảm thấy như đang được sống đúng nghĩa. Tuy nhiên, bản thân lại thành công với vị trí sale cho một trung tâm thể thao. Nhìn vào thực tế, cuộc sống mình vẫn phải lựa chọn làm điều mà bản thân không thật sự thích.
Giá như, dẫn chương trình mang đến cho mình nhiều cơ hội hơn, để chí ít là sống được với nghề. Mặc dù thu nhập thấp hơn hiện tại một chút, mình vẫn cảm thấy hạnh phúc vì ở đó, nó là điều mình thích chứ không phải vì bất cứ thứ gì quá cao xa…” - anh Khánh Duy tâm sự.
Nhưng cũng có những người vô tình tìm thấy được chân lý trong sự mơ hồ giống như chị Lê Hà: “Trước đây mình không có mục tiêu lựa chọn công việc gì, đi làm đơn giản chỉ vì kiếm tiền để sinh sống. Sau khi trải qua nhiều công việc, ở hiện tại mình cảm thấy vui với vị trí là một biên tập, nó không làm mình cảm thấy chán nản, ít nhất là tới thời điểm này. Đặc biệt là nó giúp mình có thu nhập tốt, mặc dù có nhiều áp lực nhưng có lẽ nghề đã chọn mình và mình cũng chọn nghề”.
“Quê nhà là cuộc sống trong mơ” sự thật hay chỉ trong suy nghĩ?
Nghe câu nói giản dị “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, nghĩ tới cảnh không có deadline, không ồn ào đến phải ngộp thở mà còn được quây quần bên gia đình, hưởng cuộc sống nhẹ nhàng. Chắc hẳn là viễn cảnh mà nhiều người hằng mong ước, nhưng thực tế như thế nào thì vẫn cứ phải trải nghiệm thực tế mới biết.
“Bây giờ nhiều người mơ về cuộc sống nông thôn giống mình lắm. Mình về quê được 1 năm rồi, đúng là không còn nhiều áp lực khi bị “dí deadline”, không còn chen chúc trên những con đường kẹt cứng mỗi chiều tan ca, chi tiêu đơn giản hơn rất nhiều.
Nhưng mình đâu có ngờ, một cuộc khủng hoảng tâm lý bắt đầu ngay từ những ngày trở về. Người ta thường nói, lúc có thấy bình thường rồi phải mất đi mới thấy hụt hẫng. Từ một cô gái có mức lương 18 triệu một tháng, bỗng thất thu suốt nửa năm liền. Với chuyên môn về lĩnh vực marketing, công việc ở quê phải nói là hiếm có khó tìm luôn. Mình bắt tay với sự nghiệp nông sản nhưng thiếu kinh nghiệm, kèm theo điều kiện sức khỏe không thể nào bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và thế là sự thất bại chào đón mình ngay từ vòng gửi xe. Suốt nửa năm trời, tiền không kiếm được mà vẫn phải tiêu thâm hụt vào số tích lũy của những ngày đi làm.
Mình bắt đầu cảm thấy lo sợ và rất muốn quay trở lại TP.HCM, nhưng vì thể diện với gia đình và lời tuyên bố chắc nịch ngày “quê tiến”, quyết tâm không để mọi người xem là đứa quyết định bồng bột.
Tận dụng kinh nghiệm 5 năm của một marketer và 2 năm sinh viên làm pha chế, mình quyết định mở một quán trà sữa nhỏ trước sân nhà. Đưa công thức xịn xò, hương vị nơi thành thị về vùng quê với giá “hạt dẻ”, đó cũng là điều giúp quán của mình nhanh chóng được mọi người biết đến. Thời gian đầu chỉ đủ hòa vốn, nhưng đến gần nửa năm, công việc kinh doanh của mình được gọi là tạm ổn. Tuy chỉ là một quán nhỏ, thu nhập chỉ bằng nửa trước đây thôi, nhưng mình làm chủ được thời gian, bản thân cũng không tạo áp lực, luôn có sự động viên của gia đình. Dần dần, mình lấy lại được cân bằng và hài lòng với lựa chọn của bản thân. Mặc dù vậy, đôi khi mình vẫn cảm thấy nhớ về bạn bè, những cuộc vui chơi nhộn nhịp của Sài Gòn”. - chị Trang Lê giãi bày.
Chị Trang Lê - cô chủ nhỏ của một quán trà sữa sau một năm về quê.
Lý thuyết và thực tế thường rất khác nhau, ở quê hay phố thì vẫn phải “làm mới có ăn”. Hãy chắc chắn rằng, khi rời bỏ áp lực thành phố bạn đã có lộ trình cho những ngày an nhiên nơi nông thôn.
Phần lớn, xu hướng về quê nổ ra là do bản thân cảm thấy không còn vui với những điều đang xảy ra ở hiện tại. Từ đó, đem đến những suy nghĩ tiêu cực, ảnh hưởng đến tâm lý. Cuối cùng, lựa chọn từ bỏ mọi thứ được xem như là một cách để giải thoát cho những suy nghĩ ấy. Vậy thì tại sao, chúng ta không thử học cách cân bằng cảm xúc trong công việc và cuộc sống, để tìm thấy được niềm vui dù là ở đâu, làm công việc gì?
6 bí kíp để giữ thăng bằng trong công việc:
Làm chủ cuộc chơi
Để đảm đương được khối lượng công việc, hãy lên kế hoạch làm việc sao cho phù hợp với bạn. Nếu bạn năng suất hơn vào buổi sáng, đẩy những nhiệm vụ quan trọng lên trước và nếu bạn muốn tránh quá tải, hãy sắp xếp những giờ nghỉ giải lao ngắn. Làm việc với tốc độ của bạn.
Thiết lập ranh giới Làm - Nghỉ
Nếu bạn nhận ra bản thân đang trả lời email và kiểm tra những cập nhật mới về công việc ngoài giờ làm việc, hãy cố ngắt kết nối vào cuối giờ hành chính. Kể cả bây giờ bạn vẫn cảm thấy ổn, thì sẽ đến một lúc nào đó nó khiến bạn kiệt sức. Phòng cháy hơn chữa cháy.
Tạo không gian làm việc ấm cúng và sáng tạo
Tạo nên một không gian làm việc vừa ý bạn. Đặt những đồ thường dùng trong tầm với và trang trí một bàn làm việc thật sự truyền cảm hứng cho bạn. Ví dụ, treo một poster với câu trích dẫn yêu thích hoặc ảnh gia đình.
Tối ưu hóa các mối quan hệ tại nơi làm việc
Dành thời gian cho các đồng nghiệp và các mối quan hệ xã giao trong mức độ nhiều nhất có thể. Nhưng đừng cố quá - là lúc bạn cảm thấy quá tải để kết nối, và thấy không còn thoải mái nữa. Như vậy, bạn có thể nhờ giúp đỡ, góp ý khi cần mà không phải cảm thấy ngại. Cũng nên đề nghị giúp đỡ người khác nếu có thể.
Ăn đủ chất, uống đủ nước
Bạn cần năng lượng để có sức cho một ngày làm việc năng suất. Tránh bỏ bữa và nhớ uống đủ nước. Chiêu đãi bản thân với những món ăn ưa thích và thỉnh thoảng mua những cốc trà sữa ngon lành - bạn xứng đáng với điều đó!
Tập cách lựa chọn
Nếu bạn đã cố gắng mà vẫn không theo ý muốn, hãy dành cho mình một khoảng thời gian trống để ngẫm nghĩ thật kỹ về việc từ bỏ hay tiếp tục. Vì đó sẽ là lúc bạn đang lắng nghe con tim mình muốn gì.