Nhiều người còn chủ quan với căn bệnh có tỷ lệ mắc cao nhất thế giới

4 người trong cùng một gia đình mắc ung thư gan - căn bệnh ung thư đang cướp đi tính mạng của hơn 20 nghìn người mỗi năm tại Việt Nam. Viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan và đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vẫn đang gia tăng.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao nhất thế giới, khoảng 10 triệu người, nhưng nhiều người còn chủ quan phát hiện bệnh muộn, hoặc khi có bệnh nhưng không duy trì điều trị, dẫn tới bệnh tiến triển nhanh thành xơ gan, ung thư gan. Ngày viêm gan Thế giới 28/7 năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra chủ đề “Đến lúc chúng ta phải hành động”, nhằm nâng cao nhận thức và hành động kịp thời về viêm gan virus để sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị nhằm hướng tới loại trừ bệnh viêm gan virus vào năm 2030.

Nhiều người trẻ mắc viêm gan B không biết

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi điều trị cho rất nhiều bệnh nhân viêm gan nặng. Cách đây không lâu, Khoa Ngoại Gan mật, tiêu hóa và ung bướu của bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân Giàng Mí Già (26 tuổi, dân tộc Mông, trú tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) với khối u khổng lồ ở gan. Già được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tế bào gan và đáng kinh ngạc hơn là 3 người thân trong nhà của anh đều đã mất vì ung thư gan.

Người dân cần chủ động xét nghiệm, sàng lọc viêm gan B để bảo vệ sức khỏe.

Người dân cần chủ động xét nghiệm, sàng lọc viêm gan B để bảo vệ sức khỏe.

Theo lời kể của người nhà, hơn 3 tháng trước, chàng thanh niên vốn khỏe mạnh bỗng lăn ra ốm, đi khám ở cơ sở y tế địa phương được chẩn đoán bị viêm gan B, ung thư biểu mô tế bào gan và có chỉ định nút mạch. Vì không có tiền, lại suy sụp tinh thần, cả gia đình anh Già (gồm 7 người) bán hết trâu trong nhà để vào Đắk Lắk chữa thuốc nam. Sau 3 tháng, tiền hết, bệnh ngày càng nặng, nghĩ rằng mình phải bỏ mạng nơi đất khách, nhưng may mắn, gia đình được những người hảo tâm giúp đỡ đủ tiền để về Hà Nội và gửi gắm vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với hy vọng mong manh.

Lúc này, anh Già chỉ nặng có 40kg, khối u gan ở giai đoạn muộn có kích thước khổng lồ hơn 20cm đã xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và vỡ gây chảy máu. Các bác sĩ phẫu thuật cấp cứu lấy ra khối u gan nặng 3kg, truyền gần 2.000ml máu để cứu tính mạng chàng trai trẻ. Mười ngày sau mổ, Giàng tiếp tục được đốt khối u gan còn lại. Đây là trường hợp còn rất trẻ bị ung thư gan giai đoạn muộn trên nền viêm gan B không được phát hiện. Tuy 3 người trong gia đình nam bệnh nhân đã tử vong vì ung thư gan, nhưng vì chủ quan không thăm khám, xét nghiệm để phát hiện sớm viêm gan B và điều trị, nên khi có dấu hiệu bệnh mới đi khám, thì bệnh nhân đã bị ung thư gan giai đoạn tiến triển.

Không riêng nam thanh niên này, tại Việt Nam, có rất nhiều người mắc viêm gan B nhưng chưa được phát hiện. Chỉ tới khi vàng mắt, vàng da, gầy sút, mệt mỏi mới tới viện khám, lúc này người bệnh mới biết mình bị viêm gan B đã chuyển sang giai đoạn xơ gan hoặc ung thư gan. “Tại Việt Nam có 8-10% dân số mắc viêm gan B, tương đương khoảng 8-10 triệu người. Bệnh viêm gan B không biểu hiện triệu chứng bên ngoài, trừ viêm gan B cấp hoặc đợt cấp của viêm gan B mạn, vì vậy, người bệnh không đi khám và không phát hiện được mình bị nhiễm virus viêm gan B”, ThS.BS Nguyễn Quốc Phương, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.

Phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ sơ sinh

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, trên thế giới có khoảng gần 300 triệu người mắc viêm gan virus B, khoảng 1 triệu người tử vong vì căn bệnh này mỗi năm, nhưng mới chỉ có 45% trẻ sinh ra được tiêm phòng vaccine viêm gan B trong vòng 24h sau sinh. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao nhất thế giới, trong đó, đường lây chủ yếu là từ mẹ truyền cho con trong thời kỳ mang thai. Năm 2016, WHO đưa ra chiến dịch toàn cầu về kiểm soát sự lây truyền viêm gan B trong cộng đồng với mục tiêu đến năm 2030 giảm 90% số ca mắc mới ở trẻ sơ sinh và giảm 65% tỷ lệ tử vong do viêm gan B gây ra.

Trung tâm Bệnh Nhiệt đới mỗi năm quản lý hàng trăm phụ nữ mang thai bị viêm gan B. Theo PGS Cường, nhiều phụ nữ khi mang thai không biết mình bị viêm gan B, không được theo dõi điều trị trong quá trình mang thai cũng như trẻ sinh ra không được tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh. Vì vậy, khi trẻ sinh ra đã bị nhiễm virus viêm gan B thì có thể mang virus suốt đời, để lại hậu quả về bệnh tật và gánh nặng tâm lý rất nặng nề. Do vậy, việc sàng lọc, phát hiện và quản lý phụ nữ bị viêm gan B thời kỳ trước, trong quá trình mang thai, khi sinh và sau khi sinh để đảm bảo trẻ sinh ra không bị nhiễm viêm gan B là việc rất quan trọng và cấp thiết hiện nay.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà WHO đưa ra không hề dễ dàng khi một bộ phận người dân vẫn có tâm lý chủ quan, chưa đi thăm khám sức khỏe định kỳ và làm xét nghiệm viêm gan B. Theo PGS Cường, cần tiến hành các chương trình dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh bằng các biện pháp: Tiêm chủng vaccine viêm gan B trên toàn cầu cho trẻ, tiêm kháng huyết thanh cho trẻ sơ sinh và mẹ dùng kháng virus trong quá trình mang thai. Các chương trình dự phòng cần phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên ngành Truyền nhiễm - Sản khoa - Nhi khoa và Y tế dự phòng mới có thể giải quyết được.

PGS Cường cũng khuyến cáo, nếu mẹ bầu bị viêm gan B, cần phải uống kháng virus trong 3 tháng cuối của thai kỳ, bắt đầu từ tuần lễ thứ 24 trở đi. Khi sinh, bà mẹ vẫn tiếp tục uống thuốc, trong quá trình đẻ thường hoặc mổ và phải tiêm kháng huyết thanh viêm gan B cho trẻ ngay trong 12-24h đầu sau sinh và kết hợp tiêm ngay vaccine viêm gan B mũi 1.

Bệnh viêm gan B đã có thuốc điều trị và vaccine để phòng ngừa, vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tiêm phòng vaccine đủ mũi và nhớ lịch tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch. Người dân cần chủ động xét nghiệm, sàng lọc viêm gan B xem có mắc bệnh không để có kế hoạch quản lý, theo dõi và điều trị. Khi phát hiện bị viêm gan B tuyệt đối không được bỏ điều trị, cần phải theo dõi định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để sớm phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng của viêm gan B gây ra như xơ gan và ung thư gan.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nhieu-nguoi-con-chu-quan-voi-can-benh-co-ty-le-mac-cao-nhat-the-gioi-i738819/