Nhiều người dân Nghĩa An sập bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động

Nghe quảng cáo trên mạng xã hội về 'việc nhẹ, lương cao', không cần đào tạo ngoại ngữ hoặc kỹ năng nghề, nhiều người dân ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đã sập bẫy đối tượng lừa đảo dưới hình thức đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Theo ghi nhận bước đầu của cơ quan chức năng địa phương, có khoảng 100 người dân sập bẫy lừa đảo này và mỗi trường hợp bị lừa từ 35 - 50 triệu đồng. Đến nay, thống kê tổng số tiền bị lừa đã lên đến khoảng 4,5 tỷ đồng.

Biên bản cam kết và thỏa thuận cụ thể số tiền của từng trường hợp đã giao cho bà T. để đi xuất khẩu lao động.

Biên bản cam kết và thỏa thuận cụ thể số tiền của từng trường hợp đã giao cho bà T. để đi xuất khẩu lao động.

Theo đó, khoảng tháng 3-2023, một phụ nữ tên Trần Thị G. (quê ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) đang xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, đăng thông tin trên mạng xã hội về nhu cầu giới thiệu đồng hương xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc trong thời hạn 6 tháng, với mức lương 25 - 30 triệu đồng/tháng. Công việc là lao động chân tay, không phải qua các khâu tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề. Thông tin này đã đánh vào tâm lý “việc nhẹ, lương cao”, nhiều người dân ở cùng xã liên hệ với Trần Thị G. Sau đó, người phụ nữ này đã yêu cầu người dân liên hệ với Trần Thị T. (em gái của G., ở xã Nghĩa An) để nộp tiền và chờ làm thủ tục đi Hàn Quốc. Mỗi suất đi Hàn Quốc cần 50 triệu đồng để làm thủ tục hồ sơ và được cam kết sẽ xuất ngoại trong tháng 5-2023. Thế nhưng, sau 1 năm chờ đợi, người dân mới biết bị sập bẫy lừa đảo.

Điển hình như trường hợp vợ chồng chị Nguyễn Thị C. và anh Phạm Văn C. (trú xã Nghĩa An), trước đây từng làm ăn khấm khá nhờ nghề biển. Với dự định mở rộng kinh doanh, anh chị đã vay ngân hàng tiền tỷ để đóng tàu mới. Nhưng sau một thời gian làm ăn thua lỗ, không có khả năng trả nợ, anh chị bị tịch thu tài sản thế chấp là ngôi nhà bao năm gắn bó. Hiện cả gia đình chị C. đang phải ở tạm nhờ nhà người thân. Do đó, khi thấy thông tin xuất khẩu lao động của người cùng quê, anh chị liền vay mượn 100 triệu đồng để cùng làm thủ tục chờ ngày đi Hàn Quốc với mong muốn sang đất khách quê người “cày cuốc” kiếm một ít vốn làm ăn sau này. Nhưng rồi, đến nay đã hơn 1 năm, vợ chồng chị C. rơi vào cảnh nợ chồng nợ vì tin theo lời kẻ lừa đảo.

“Cứ nghĩ là đồng hương, là người thật, việc thật đã đi xuất khẩu lao động thành công, nên tin tưởng giao tiền. Lúc đầu mỗi người đóng 35 triệu đồng. Sau đó, T. và G. gửi một tờ giấy xin cấp visa bằng tiếng Hàn, bảo với chúng tôi rằng, thủ tục đã hoàn tất, phải nộp thêm 15 triệu đồng để mua vé máy bay và làm giấy khám sức khỏe. Nhưng chờ mãi không thấy tin tức gì nữa. Tiền thì không đòi lại được”, chị Nguyễn Thị C. cho hay.

Sau khi yêu cầu người dân đóng 35 triệu đồng, bà T. đã gửi tờ xin visa bằng tiếng Hàn Quốc để yêu cầu nộp thêm 15 triệu đồng.

Sau khi yêu cầu người dân đóng 35 triệu đồng, bà T. đã gửi tờ xin visa bằng tiếng Hàn Quốc để yêu cầu nộp thêm 15 triệu đồng.

Một trường hợp khác cũng sập bẫy lừa đảo là chị Nguyễn Thị S. (trú xã Nghĩa An). Chị S. chia sẻ, từ tháng 5-2023 đến nay chị và một số người bị lừa khác đã nhiều lần lên nhà gặp T. đòi tiền nhưng T. và chị gái cứ hứa hẹn mà không trả lại tiền. Sau nhiều lần yêu cầu hoàn tiền không thành, nhiều người dân đã gửi đơn tố cáo lên chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Một bị hại khác là chị Lê Thị Bé S. cho biết: “Chúng tôi đã gửi đơn lên xã và Công an tỉnh Quảng Ngãi với hy vọng pháp luật đòi lại sự công bằng cho những người bị hại. Rất mong cơ quan chức năng sớm xử lý, hầu hết người bị hại đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn”.

Trao đổi về vụ việc này, bà Phạm Thị Công- Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết: Từ tháng 8-2023, địa phương đã nhận được đơn tố cáo của nhiều người dân trên địa bàn xã về việc bà Trần Thị T. lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức giới thiệu đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Đây là vụ việc phức tạp, vượt quá thẩm quyền giải quyết của địa phương nên chính quyền đã hướng dẫn người dân nộp đơn lên cơ quan điều tra thuộc Công an tỉnh Quảng Ngãi để chờ xử lý.

Qua vụ việc này đã thêm lời cảnh báo về nạn lừa đảo xuất khẩu lao động. Không ít người lao động thiếu kiến thức, thiếu thông tin liên quan đến các quy định về xuất khẩu lao động, nhưng lại muốn đi nhanh với chi phí thấp nên đã tìm đến các đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp và tự biến mình trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo. Do đó, người lao động cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu rõ các thông tin tuyển dụng lao động đi nước ngoài. Để tìm hiểu thông tin đối với từng ngành, nghề, công việc và các khoản chi phí để đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở LĐ-TB&XH.

Q.NG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nhieu-nguoi-dan-nghia-an-sap-bay-lua-dao-xuat-khau-lao-dong-post295098.html