Nhiều người lao động bỏ phí quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp
Hỗ trợ học nghề miễn phí để chuyển đổi việc làm mới là một trong 4 quyền lợi của người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được thụ hưởng. Tuy nhiên, do chưa nắm rõ thông tin hoặc vì các nguyên nhân khác mà nhiều người lao động đã bỏ phí quyền lợi này.
Học nghề giúp người lao động chuyển đổi công việc
Chính sách BHTN đã trở thành “phao cứu sinh” hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động thất nghiệp và giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động. Người lao động tham gia BHTN sẽ được hưởng 4 quyền lợi khi mất việc, đó là: được hỗ trợ một khoản tiền trợ cấp theo quy định, hưởng thẻ BHYT trong thời gian mất việc; được tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề miễn phí. Nhờ tham gia BHTN, khi nghỉ làm ở siêu thị, chị Lê Thị Thu Hương (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) được thụ hưởng đầy đủ các chế độ khi mất việc làm, trong đó có học nghề miễn phí. Chị Thu Hương đã tự tin chuyển đổi nghề nghiệp, có thu nhập tốt và còn tạo việc làm cho người khác.
Chia sẻ về chính sách BHTN hỗ trợ người lao động khi mất việc, chị Thu Hương cho hay: “Hôm đến làm thủ tục hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, tôi được các cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn và đã đăng ký khóa học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn. Chúng tôi được học nghề miễn phí, lại được cung cấp các nguyên vật liệu để thực hành làm các món. Hiện nay, tôi bán hàng trực tiếp và online các thứ đồ uống, thức ăn đường phố. Hàng ngày, vợ chồng tôi bán hàng từ 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm, tiền lãi hơn 1 triệu đồng/ngày; ngoài ra còn thuê 2 thanh niên phụ việc, trả lương 25.000 đồng/giờ. Chính sách BHTN đã giúp tôi chuyển đổi nghề có thu nhập cao gấp hơn 2 lần so với trước đây làm nhân viên bán hàng ở siêu thị”.
Để giúp người lao động BHTN trở lại thị trường lao động, tại mỗi buổi bế giảng khóa học, Trung tâm mời các DN có nhu cầu tuyển dụng tham gia nhằm kết nối việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp. Trung tâm còn tuyên truyền các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, chuyên đề, lưu động với hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng để giúp học viên tìm việc làm sớm hòa nhập thị trường lao động.
Chính sách BHTN đã trở thành “điểm tựa” an sinh vững chắc chia sẻ rủi ro cho người lao động. Tuy nhiên, số người lao động tận dụng quyền lợi học nghề miễn phí từ chính sách này lại rất ít. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu thông tin: Tuy số người lao động nộp hồ sơ và có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng đều qua các năm nhưng số người đăng ký hỗ trợ học nghề lại giảm. Số người lao động tham gia học nghề ít hơn, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đề xuất tăng mức phí hỗ trợ đào tạo nghề
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo nghề cho người lao động hưởng BHTN. Theo đó, người lao động đăng ký học nghề nhiều ngành nghề khác nhau với số lượng ít nên Trung tâm và trường nghề khó tổ chức lớp đào tạo. Người lao động BHTN là lao động chính trong gia đình nên chỉ muốn có việc làm ngay; hoặc đã đăng ký học nhưng không đến nhận quyết định hoặc bỏ dở giữa chừng. Các DN chưa chú trọng ưu tiên tuyển người có trình độ sơ cấp nên không khuyến khích được lao động BHTN học nghề. Mức phí hỗ trợ đào tạo chưa cao, không đủ đáp ứng một số ngành nghề hiện nay thị trường lao động đang cần...
Trước thực trạng này, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động BHTN. Theo đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền về chế độ, quyền lợi của người lao động được hỗ trợ đào tạo nghề khi bị thất nghiệp, các đơn vị cần đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dụng cụ đào tạo nghề. Mức học phí hỗ trợ đào tạo nghề cần được tăng thêm cho phù hợp với một số ngành nghề thực tế hiện nay và thị trường lao động nhằm giúp người lao động BHTN sớm tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp khóa học. Bên cạnh đó là hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn trưa cho người lao động thụ hưởng chính sách BHTN tham gia học nghề.
Gần 8 năm qua, Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, tiếp nhận 1.259 lượt lao động tốt nghiệp học nghề. Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết: Từ năm 2021 đến nay, nhà trường đã đào tạo 172 học viên là người lao động hưởng BHTN học nghề, trong đó chủ yếu học nghề lái xe ô tô hạng B2 và hạng C... Các lao động BHTN sau khi được đào tạo xong, nhà trường đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tư vấn, giới thiệu việc làm để nhanh chóng trở lại thị trường lao động. Theo đó, có 45%-48% học viên tự tạo việc làm, 42%-45% học viên làm việc tại các công ty với mức thu nhập từ 8 – 15 triệu đồng/người/tháng.
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của công tác đào tạo nghề cho người lao động hưởng BHTN, ông Trần Việt Hùng đề xuất các giải pháp: Nhà trường phối hợp với DN xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của DN; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Cùng với đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, cần nghiên cứu nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các DN theo một chiến lược phù hợp với đối tượng lao động phổ thông trở xuống để tư vấn học nghề sơ cấp trở xuống...
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhieu-nguoi-lao-dong-bo-phi-quyen-loi-bao-hiem-that-nghiep.html