Nhiều người trẻ mắc bệnh 'khó nói'
Trong khoảng 35% - 60% dân số mắc bệnh liên quan đến hậu môn - trực tràng thì tỉ lệ người trẻ dưới 18 tuổi chiếm đến 5% và đang có xu hướng tăng
Mới đây, một nam sinh viên 22 tuổi đến khám trong tình trạng sa búi trĩ, vùng hậu môn sưng, chảy máu, đau rát, đại tiện khó khăn… Chàng trai cho biết lúc nhỏ anh thường xuyên bị táo bón nên thường ngồi trong nhà vệ sinh rất lâu.
Đổ bệnh vì ngồi lì "ôm dế"
Thói quen xấu này vẫn được nam sinh viên duy trì cho đến bây giờ. Cứ mỗi lần đi vệ sinh anh thường mang theo truyện hoặc điện thoại vào để "giết thời gian", thường thì mất cả giờ ngồi lì trong đó. Thấy vùng nhạy cảm có dấu hiệu bất thường, anh lên mạng tìm hiểu và tự chữa bệnh. Gần đây, bệnh trở nặng khiến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày bị ảnh hưởng nghiêm trọng: đi đứng khó khăn, ngại chơi thể thao, ngồi học khổ sở. Nam sinh viên đến bệnh viện khám thì phát hiện mắc bệnh trĩ độ 3.
Trường hợp trên chỉ là một điển hình trong giới trẻ mắc bệnh "khó nói", ngại chữa. Theo Hội Hậu môn - Trực tràng Việt Nam, những năm gần đây, người dưới 18 tuổi mắc bệnh trĩ có xu hướng tăng nhanh, nhiều trường hợp 14 - 15 tuổi đã mắc bệnh ở giai đoạn nặng độ 2 - 3. Tỉ lệ mắc trĩ chiếm khoảng 35% - 60% dân số, trong đó người trẻ dưới 18 tuổi chiếm 3% - 5% và đang có xu hướng tăng.
PGS-TS Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (TP Hà Nội), Chủ tịch Hội Hậu môn - Trực tràng Việt Nam, cho biết bệnh nhân là người trẻ đến khám và điều trị bệnh trĩ ngày càng nhiều, trong đó cũng có bệnh nhi dưới 10 tuổi. Có những thanh niên khi nhập viện tình trạng bệnh đã khá nặng, búi trĩ sa ra ngoài, đại tiện ra máu và đau đớn.
Ngoài những nguyên nhân do lối sống ít vận động, lười ăn rau xanh, sử dụng nhiều đồ ăn cay nóng thì một yếu tố mới nổi là tình trạng nghiện các thiết bị điện tử, "ôm" điện thoại hàng giờ khi đi vệ sinh. Nhiều người khi cảm thấy đau bụng và muốn đi vệ sinh thì việc đầu tiên là đi tìm chiếc điện thoại thông minh, sau đó mới vào nhà vệ sinh rồi ngồi lì trong đó hàng giờ. "Việc xem điện thoại khi đi vệ sinh khiến cơ thể không tập trung xử lý "việc chính". Hơn nữa, khi ngồi lâu trong nhà vệ sinh làm trọng lượng cơ thể tác động lên hậu môn khiến sự lưu thông máu ở các tĩnh mạch trĩ bị ảnh hưởng, tăng nguy mắc bệnh trĩ. Đây là lý do nhiều người trẻ mắc căn bệnh này" - PGS Cường cảnh báo.
Theo các bác sĩ, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng bệnh trĩ gây phiền toái và sự khó chịu âm thầm cho người bệnh. Đáng nói là nắm trúng tâm lý của người mắc bệnh trĩ là sợ phẫu thuật lại do bệnh "khó nói" nên không ít "thầy lang" đã bán các loại thuốc gắn mác gia truyền với lời quảng cáo "có cánh" như cam kết bảo đảm 100% không tái phát, không khỏi không lấy tiền…
Hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh và cũng chưa có phương pháp điều trị nào đạt hiệu quả 100%. Có bệnh nhân đắp thuốc chữa trĩ khiến vết thương lở loét, khi đến bệnh viện mới biết vùng hậu môn đã hoại tử, phải phẫu thuật ngay. "Hoại tử vùng hậu môn do hóa chất cực kỳ nguy hiểm và di chứng để lại rất nặng nề. Với bệnh nhân này, sau phẫu thuật gần 3 tháng, kết hợp điều trị nhiều kỹ thuật cao, tình trạng mới đỡ khoảng 80%" - PGS Cường khuyến cáo.
Dễ nhầm với bệnh khác
Theo ThS-BS Nguyễn Quang Huy, Trưởng Khoa Ngoại tổng quát - Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, bình thường trong ống hậu môn luôn tồn tại các búi trĩ, bao gồm: trĩ ngoại nằm trong khoảng dưới da ống hậu môn được da che phủ và trĩ nội nằm trong khoảng dưới niêm mạc của ống hậu môn ở trên đường lược. Các búi trĩ cung cấp 15% - 20% áp lực lúc nghỉ của ống hậu môn, làm cho hậu môn luôn đóng kín. Điều này rất quan trọng vì các cơ thắt không thể đóng kín hoàn toàn hậu môn. Các triệu chứng bất thường liên quan những búi trĩ này tạo nên bệnh trĩ. Bệnh trĩ được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ.
Ngoài giới trẻ mắc bệnh do lối sống thì căn bệnh "khó nói" này cũng là nỗi niềm của giới văn phòng. "Những người làm việc văn phòng phải ngồi nhiều, khoảng 6 - 8 giờ mỗi ngày, nguy cơ mắc bệnh trĩ khá cao. Trong thực tế, số lượng nhân viên văn phòng mắc bệnh trĩ phải phẫu thuật là rất cao" - bác sĩ Huy cảnh báo.
Các chuyên gia lưu ý đi ngoài ra máu là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh trĩ và là lý do khiến bệnh nhân phải đến các cơ sở y tế khám. Nhưng bệnh trĩ không phải lúc nào cũng có biểu hiện đi ngoài ra máu, nhiều người mắc bệnh mà không có triệu chứng này nên rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác ở hậu môn.
PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật đại trực tràng - tầng sinh môn - Bệnh viện Việt Đức, cho biết những triệu chứng của bệnh trĩ, đặc biệt là đại tiện ra máu, là dấu hiệu giống với người mắc ung thư đại trực tràng và một số bệnh đường tiêu hóa khác. Vì vậy, khi xuất hiện dấu hiệu này, người bệnh cần được khám ở phòng khám bởi những bác sĩ chuyên khoa sâu về hậu môn - đại trực tràng. Hiện có nhiều phương pháp điều trị bệnh trĩ hiệu quả và ít đau, tùy thuộc giai đoạn bệnh. Nếu bệnh nhẹ có thể chữa khỏi chỉ bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc hoặc thực hiện một số thủ thuật để giảm đau, sưng nề. Nếu các phương pháp điều trị này không hiệu quả mới có chỉ định phẫu thuật.
Theo PGS Lê Mạnh Cường, không phải ai mắc bệnh trĩ cũng phải phẫu thuật, tùy từng giai đoạn bệnh trĩ mà các bác sĩ có hướng điều trị thích hợp. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kết hợp việc thay đổi lối sống. Việc phát hiện sớm sẽ điều trị nội khoa và nhanh chóng hồi phục ở giới trẻ. Ở giai đoạn 3, 4 hoặc có biến chứng và kèm bệnh lý khác hoặc điều trị nội khoa thất bại sẽ phải chỉ định phẫu thuật. "Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng vì với kỹ thuật hiện nay, việc phẫu thuật thường ít xâm lấn, an toàn, hiệu quả, ít đau, hồi phục nhanh, bảo tồn tối đa cấu trúc và chức năng ống hậu môn, tỉ lệ tái phát thấp" - Chủ tịch Hội Hậu môn - Trực tràng Việt Nam nhấn mạnh.
Thay đổi lối sống để phòng bệnh
Theo giới chuyên môn, để có thể phòng ngừa bệnh trĩ "khó nói" nên thực hiện một số thay đổi trong lối sống. Cụ thể: Táo bón là một nguyên nhân thường gặp gây ra trĩ, do đó cần ăn nhiều rau quả để có nhiều chất xơ (giúp nhu động ruột mạnh hơn)... Cần uống nhiều nước mỗi ngày. Tránh uống rượu vì có thể làm cho phân khô và nhỏ. Vận động thân thể thường xuyên cũng cần thiết và có lợi cho tiêu hóa. Bỏ thuốc lá, điều trị tích cực ngay các bệnh đường hô hấp. Bởi các bệnh về đường hô hấp gây ho nhiều làm tăng áp lực trong ổ bụng thường xuyên. Tránh các thói quen xấu như đọc báo hoặc chơi vi tính khi đi vệ sinh, sử dụng nhiều chất kích thích như cà phê, tiêu, ớt...
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-nguoi-tre-mac-benh-kho-noi-196240515195135712.htm