Nhiều nhà đầu tư bất động sản bắt đầu săn hàng
Khó khăn của người này lại là cơ hội của người kia, thế nên những nhà đầu tư có sẵn tiền đang rốt ráo đi săn 'hàng ngộp'.
Theo làn sóng đầu tư đất nền đổ về huyện Củ Chi vào đầu tháng 2/2022, anh Nguyễn Trung Thành (ngụ phường Vĩnh Phú, tỉnh Bình Dương) quyết định chi hơn 3 tỷ đồng để mua 2 lô đất diện tích 200 m2 tại xã Tân Phú Trung để “lướt sóng”. Bởi lúc đó, thông tin địa phương này sẽ được nâng cấp lên thành phố, thay vì lên quận như kế hoạch trước đó, khiến những khu đất vườn, đất nền, đất nông nghiệp… nơi đây trở thành “thỏi nam châm” thu hút nhà đầu tư từ khắp nơi đổ về săn đất.
Để có tiền đầu tư, ngoài 1 tỷ đồng tích góp từ trước, anh Thành đã vay thêm ngân hàng hơn 1,5 tỷ đồng, còn lại mượn tiền gia đình và bạn bè. Sau khi mua 2 lô đất này khoảng 1 tháng, có khách trả chênh 100 triệu đồng/lô nhưng anh không bán vì tin giá sẽ còn tăng tiếp.
Thế nhưng, thị trường bất ngờ giảm nhiệt, ngân hàng siết tín dụng, giao dịch từ đó cũng “đóng băng”, dòng tiền bị tắc, khiến việc trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng trở thành nỗi ám ảnh đối với nhà đầu tư này. Để giảm bớt khó khăn, anh Thành rao bán 2 nền đất bằng với giá vốn lúc mua vào, nhưng không có ai hỏi mua.
Không chỉ thị trường đất nền Củ Chi, mà đa số những khu vực trước đây rất sôi động thì giờ cũng trầm lắng, nhà đầu tư không mấy quan tâm. Huy Hoàng, nhân viên môi giới đất nền tại TP. Thủ Đức (TP.HCM) từng “nằm gai nếm mật” tại các thị trường vùng ven như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An… cũng than thở rằng, mấy tháng nay gần như không có khách hỏi mua, thậm chí lượng người bán còn nhiều hơn lượng người mua. Có nhiều người cần tiền gấp đang phải hạ giá để tìm khách. Một số khách cũng phải chấp nhận cắt lỗ để thu hồi dòng tiền.
Tại phân khúc căn hộ, tình trạng nhà đầu tư “cắt lỗ” để giảm gánh nặng tài chính cũng xuất hiện. Đơn cử, tại một dự án khu đô thị cao tầng nằm ở khu vực quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức), nhiều người đang rao bán chính căn hộ của mình với mức giá giảm từ 200-500 triệu đồng so với giá gốc.
“Thị trường hiện có khá nhiều nhà đất xả hàng có thể mặc cả giảm giá. Nếu chọn lựa kỹ càng, tôi vẫn có thể bắt được cơ hội trong thời gian tới nên đã thanh lý những tài sản rủi ro để cơ cấu lại danh mục đầu tư và giữ tiền mặt tìm cơ hội”, chị Nguyễn Thị Ngân, một nhà đầu tư vừa bán căn xong căn hộ 75 m2 tại dự án trên cho hay.
Theo các chuyên gia, hiện là thời điểm cho người có sẵn dòng tiền tích lũy bất động sản giá tốt. Bởi thực tế chứng minh rằng, từ trước đến nay, dù thị trường có lúc thăng lúc trầm, nhưng giá bất động sản luôn đi lên theo thời gian. Ông Mai Đức Toàn, Giám đốc khối Kinh doanh và Tiếp thị, Tập đoàn CNT Group cho hay, nhiều nhà đầu tư dồi dào tài chính lúc này không ngần ngại “găm tiền” vào bất động sản hướng tới mục tiêu đầu tư trung - dài hạn.
“Nhà đầu tư không nên kỳ vọng nhiều vào việc lướt sóng, không chỉ ở thời điểm này, mà cả trong vài năm tới. Thị trường bất động sản Việt Nam trong 5 năm trở lại đây đã thiết lập mặt bằng giá mới trên diện rộng, song điều này không có nghĩa là triệt tiêu hình thức đầu tư lướt sóng. Nếu tính toán đúng, nhà đầu tư vẫn có thể ‘đánh nhanh, thắng nhanh’, nhưng tôi cho rằng, tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn những năm trước”, ông Toàn nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ thêm, hiện là lúc các nhà đầu tư cần đánh giá lại toàn diện thị trường và sắp xếp danh mục đầu tư phù hợp, đồng thời thận trọng hơn trước những thông tin quy hoạch chưa rõ ràng.
Đồng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho rằng, trước mắt, thị trường bất động sản sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn, song khi thị trường lắng xuống cũng là giúp các nhà đầu tư dài hạn lựa chọn được sản phẩm có giá tốt, pháp lý đầy đủ mà không phải cạnh tranh quá nhiều.
“Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư cần tỉnh táo khi đánh giá sản phẩm định mua. Nếu sản phẩm khu vực đó có khả năng sinh lợi ngay, như khai thác cho thuê chẳng hạn, thì có thể mạnh dạn xuống tiền, chứ nếu mua chỉ vì trông chờ vào tương lai sẽ có quy hoạch thì nên cân nhắc, bởi như vậy chẳng khác nào đánh bạc”, ông Quang nói.