Nhiều nhà máy đường đóng cửa: Nông dân ngồi trên 'lửa'
Hiện nay, Hậu Giang đang bước vào vụ thu hoạch mía. Tuy nhiên nhiều nhà máy đường trên địa bàn đã tạm dừng hoạt động khiến người trồng mía thấp thỏm, lo lắng.
Ông Cao Trung Việt ở ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) có 0,4 ha mía tới thời điểm thu hoạch nhưng chưa có thương lái hỏi mua khiến ông vô cùng lo lắng. “Mía đến thời điểm thu hoạch nhưng chưa có người mua, cùng với việc mấy ngày nay bị lốc xoáy làm đổ ngã nên vô cùng khó khăn”, ông Việt than thở. Theo lời ông, chi phí đầu tư gần 40 triệu đồng, trồng gần 10 tháng nhưng năm nay nghe tin 2 nhà máy trên địa bàn đã dừng hoạt động, chỉ còn nhà máy đường Phụng Hiệp mà vẫn chưa bắt đầu sản xuất vụ mới. Nếu kéo dài mà lũ về gây ngập sẽ còn bị ảnh hưởng nặng hơn.
Cùng ấp, bà bùi Thị Cưởng có 0,3 ha mía bị ngã rạp ngoài đồng do ảnh hưởng lốc xoáy. Bà cho biết, mía thẳng đứng thì bán mía ép nước cho thương lái, nhưng giờ ngã rạp không có người hỏi mua. “Đầu tư công chăm sóc và chi phí cả năm trời gần hai chục triệu, giờ chưa bán được không biết lấy gì trả nợ phân thuốc, giống cho người ta”, bà Cưởng than thở.
Hiện trên địa bàn Hậu Giang nông dân bắt đầu thu hoạch, bán cho thương lái chủ yếu mía để ép nước giải khát. Tuy nhiên, cơn lốc xoáy hồi tuần trước làm ảnh hưởng, đổ ngã gây khó khăn cho người dân. Ông Nguyễn Văn Thành ở cùng xã Long Thạnh gắn bó với cây mía mấy chục năm ngao ngán: “Mấy năm nay hầu như đều thua lỗ do giá thấp, bây giờ muốn chuyển sang cây khác cũng khó bởi vùng đất thấp và không có đủ kinh phí để thuê máy móc làm đê bao, còn tiếp tục trồng thì ngày càng khó khăn. Không chỉ tôi mà nhiều người không còn mặn mà với cây mía”.
Ông Phan Thanh Lâm, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết, toàn huyện có 6.531 ha, đến nay thu hoạch được 574 ha, chủ yếu là bán mía để ép nước. Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay có 3 nhà máy là Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát đã ngừng hoạt động do vi phạm xả thải ra môi trường, còn 2 nhà máy của Cty CASUCO (nhà máy đường Vị Thanh, Phụng Hiệp). Tuy nhiên, CASUCO thông báo dừng hoạt động nhà máy ở Vị Thanh.
Theo ông Lâm, năm trước toàn huyện có 7.052 ha mía, đã chuyển sang cây trồng khác trên 500 ha. Hiện nay huyện khuyến khích chuyển đổi diện tích mía ở vùng đất thấp sang cây trồng khác và có chính sách hỗ trợ cây giống cho người dân.