Nhiều nhân sự cấp cao của FLC bị... nhờ ký

Sau gần một ngày làm thủ tục phiên tòa và công bố bản cáo trạng dài hơn 100 trang vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, chiều muộn 22/7, TAND TP Hà Nội tiến hành thẩm vấn các bị cáo.

Trước khi thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa yêu cầu cách ly bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) cùng hai em ruột bị cáo Quyết là bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Minh Huế (cựu Kế toán Tập đoàn FLC).

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 22/7.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 22/7.

Trước bục khai báo, bị cáo Trịnh Văn Đại (con bác ruột bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Faross, thuộc Tập đoàn FLC) cho biết, bị cáo có ký nhiều giấy tờ liên quan đến hoạt động của Công ty Faros, nhưng bị cáo không hiểu biết nhiều mà chỉ ký theo khi được bị cáo Trịnh Minh Huế nhờ.

“Bị cáo đứng tên ba công ty thuộc hệ thống của Tập đoàn FLC. Khi ký các văn bản, bị cáo nghĩ đó là việc chung của công ty. Bị cáo cũng không nhớ đã ký bao nhiêu tài khoản chứng khoán của FLC, vì tất cả các tài khoản bị cáo ký đều do Trịnh Minh Huế sử dụng và quản lý, chứ bị cáo không được hưởng lợi gì từ những tài khoản chứng khoán ấy mà chỉ hưởng lương từ Tập đoàn FLC”, bị cáo Đại khai. Bị cáo Đại thừa nhận, cáo trạng truy tố bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Thao túng thị trường chứng khoán” là đúng.

Bị cáo Nguyễn Văn Mạnh (chồng bị cáo Nga) khai, bị cáo không nhớ các công ty do bị cáo là người đại diện theo pháp luật có vay tiền Tập đoàn FLC không. Tuy nhiên, bị cáo nhớ có ký hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần của Công ty Faross, dù bị cáo không có tiền.

Theo lời khai của bị cáo Mạnh, mục đích bị cáo ký nhận hợp đồng chuyển nhượng vì Trịnh Minh Huế nhờ. “Bị cáo cho Huế mượn chứng minh nhân dân để mở tài khoản chứng khoán. Còn bị cáo Huế mở bao nhiêu tài khoản mua bán chứng khoán từ chứng minh nhân dân của bị cáo thì bị cáo không nhớ. Bị cáo không được hưởng lợi gì từ việc ký giúp bị cáo Huế”, bị cáo Mạnh khai.

Bị cáo Trịnh Tuân (cựu Trưởng phòng vật tư, Công ty FLC Land, thuộc Tập đoàn FLC) khai nhận, bị cáo không phải là cổ đông, không góp vốn vào Công ty Faross, bị cáo ký một số chứng từ theo ý kiến của bị cáo Mạnh. Bị cáo Tuân thanh minh, bị cáo nghĩ, mình ký là để phục vụ sản xuất kinh doanh của công ty.

“Bị cáo cho bị cáo Huế mượn chứng minh nhân dân để mở tài 33 tài khoản chứng khoán. Thực tế thì bị cáo không tham gia vào việc mua bán tài khoản chứng khoán của FLC”, bị cáo Tuân khai.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Bị cáo Đỗ Như Tuấn (cựu Tổng Giám đốc Công ty Faross) thừa nhận, bị cáo ký sở hữu 57.000 cổ phần của Tập đoàn FLC. Khi ký, bị cáo nghĩ rằng, mình ký để hoàn tất thủ tục. “Khi ký các hợp đồng, bị cáo không có chuyển môn nên bảo cấp dưới ký nháy, sau đó bị cáo ký. Sau khi bị cáo làm việc với cơ quan điều tra thì bị cáo mới biết bị cáo có tội”, Tuấn khai.

Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Văn Thanh (cựu Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề FLC, cựu phó Chánh Văn phòng Tập đoàn FLC, cựu Trưởng ban kiểm soát Công ty Faross) thừa nhận, bị cáo có đứng tên giúp bị cáo Trịnh Văn Quyết mua một số cổ phần của Tập đoàn FLC, sau đó bị cáo ký chuyển nhượng để chuyển trả cho bi cáo Quyết giống như các bị cáo khác. Bị cáo Thanh cho rằng, việc bị cáo ký chỉ để hoàn tất thủ tục, chứ bị cáo không được lợi gì từ những chữ ký của mình.

Bị cáo Nguyễn Thiện Phú (cựu Kế toán trưởng Faross, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Faross) khẳng định, không góp vốn vào Công ty Faross, nhưng có ký hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần của bị cáo Mạnh, sau đó ký chuyển nhượng lại cổ phần cho bị cáo Quyết (hơn 9 triệu cổ phần). Bị cáo Phú thừa nhận, những hợp đồng bị cáo đã ký với bị cáo Mạnh và bị cáo Quyết là không đủ điều kiện...

Trước bục khai báo, các bị cáo khác từng giữ các vị trí chủ chốt của Tập đoàn FLC và các công ty thành viên của Tập đoàn FLC đều thừa nhận, các bị cáo không góp vốn, nhưng có ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cho bị cáo Trịnh Văn Quyết. Các bị cáo thanh minh, khi ký, họ chỉ nghĩ ký để hoàn thiện thủ tục báo cáo tài chính cho Tập đoàn FLC, chứ không nghĩ chữ ký của họ giúp sức cho Trịnh Văn Quyết phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “tội Thao túng thị trường chứng khoán”. Dẫu vậy, các bị cáo cũng thừa nhận, hành vi của họ là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trịnh Văn Quyết phạm tội.

Đến lượt khai báo, bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga cho biết, thực hiện yêu cầu của Trịnh Thị Minh Huế (em ruột bị cáo) bị cáo đã ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần góp vốn ở Tập đoàn FLC trị giá hàng trăm tỷ đồng. Khi bị cáo ký các hợp đồng, bị cáo Nga là Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC. Cũng như cáo bị cáo khác, bị cáo Nga thừa nhận hành vi của mình là phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Thao túng thị trường chứng khoán" như cáo trạng đã xác định.

Nguyễn Hưng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/nhieu-nhan-su-cap-cao-cua-flc-bi-nho-ky-i738155/