Nhiều nơi đẩy mạnh triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sau sinh
Nhiều nơi đã và đang tích cực triển khai hiệu quả các chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh để những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tại Việt Nam, Chương trình tầm soát (sàng lọc) trước sinh và sơ sinh được triển khai thí điểm từ năm 2007. Đến nay, mạng lưới cung cấp dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai đến 63 tỉnh (642 huyện và 9.546 xã).
Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh tăng từ 20% năm 2016 lên 56,43% năm 2019. Tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 23% năm 2016 lên 40% năm 2019. Mô hình Tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn được thí điểm từ 2003 đến 2017. Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn được triển khai tại 63 tỉnh (494 huyện và 3.523 xã). Nâng cao chất lượng dân số dân tộc ít người tại 492 xã thuộc 25 tỉnh, chú trọng đến đối tượng khó tiếp cận, tập trung vào nội dung giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Nhiều nơi đã và đang tích cực triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh cũng như điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh. Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) mỗi năm nhập viện khoảng 5 - 6000 bệnh lý trên tổng số 26.000 trẻ ra đời mỗi năm tại viện (20% ). Trung tâm đã nuôi sống thành công những cháu sinh non chỉ từ 400 - 500 gram với tuổi thai chỉ từ 24 tuần. Tỷ lệ cứu sống trẻ từ 1 - 1,5 kg là 92%.
Tại các địa phương, tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh năm 2022. Mục tiêu cụ thể, tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 20%; giảm số cặp tảo hôn và không có hôn nhân cận huyết thống. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 10%. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 10%...
Còn tại Thanh Hóa, ông Lê Bá Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Thanh Hóa thông tin, năm 2022, Chi cục đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh năm 2022, triển khai tại 27 huyện, thị thành phố. Trong 9 tháng năm 2022, đã tổ chức hoạt động khám, kiểm tra sức khỏe, tư vấn các nguy cơ sinh con khuyết tật dị tật cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Tổ chức hoạt động hỗ trợ sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho trẻ...
Trong năm 2020, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện được 46.150 ca sàng lọc trước sinh và tính đến nay đã lấy được 2.604 mẫu máu gót chân, trong đó tổng số ca nghi ngờ G6PG là 141, số đối tượng nghi ngờ bệnh được theo dõi chặt chẽ...
Ngày 7/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình: Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt được 70% năm 2025; 90% năm 2030.