Nhiều nước ASEAN đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát
Các Ngân hàng trung ương Indonesia và Philippines đều đồng loạt tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát và ổn định đồng nội tệ.
Ngày 22/9, Ngân hàng trung ương Indonesia tăng lãi suất chính sách từ 3,75% lên 4,25 %, mức tăng cao hơn dự đoán của các nhà phân tích. Ngân hàng trung ương Indonesia tháng trước cũng phải tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần 4 năm để chống lại lạm phát gia tăng, với cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng cao.
Tuy nhiên, việc tăng giá nhiên liệu được trợ cấp trong tháng này đã tạo thêm áp lực, buộc ngân hàng trung ương phải hành động. Chính phủ đã tăng giá nhiên liệu được trợ cấp khoảng 30%, một chính sách dự kiến sẽ tiếp tục đẩy lạm phát đã ở mức 4,69%. Một số nhà phân tích đã dự báo lạm phát sẽ lên tới 7% vào cuối năm nay.
Thống đốc Ngân hàng Indonesia Perry Warjiyo cho biết, quyết định tăng lãi suất là một bước đi “có tính toán, phủ đầu và hướng tới tương lai” để giảm lạm phát và đảm bảo lạm phát cơ bản sẽ trở lại phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương từ 2 đến 4% trong nửa cuối năm 2023.
Theo ông Perry Warjiyo, lạm phát có thể tăng lên gần 6% trong tháng này. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, triển vọng về chính sách tiền tệ có thể sẽ được thắt chặt hơn nữa khi chính phủ Indonesia đang cố gắng kiểm soát tỷ lệ lạm phát.
Trong khi đó Ngân hàng trung ương Philippines cũng thông báo tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên mức 4,25% do lo ngại lạm phát sẽ tăng cao hơn so với dự đoán . Quyết định tăng lãi suất của Philippines diễn ra khi đồng nội tệ của nước này chạm mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng USD. Lạm phát trung bình ở Philippines trong năm 2022 được dự đoán là ở mức 5,6%. Dự báo cho năm 2023 lạm phát cũng tăng nhẹ lên 4,1%, trong khi dự báo cho năm 2024 giảm xuống 3%./.