Nhiều nước đã quản thương mại điện tử 'chặt hơn'

Thực tế, thời gian qua, các nước trong khu vực và trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp thắt chặt quản lý với các giao dịch thương mại điện tử.

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng trên thế giới. Điều đó đồng nghĩa, các nước đều phải có biện pháp quản lý hiệu quả hơn, ngăn ngừa vi phạm cũng như thất thu từ các giao dịch này. Ảnh: TL.

Thương mại điện tử đang trở thành xu hướng trên thế giới. Điều đó đồng nghĩa, các nước đều phải có biện pháp quản lý hiệu quả hơn, ngăn ngừa vi phạm cũng như thất thu từ các giao dịch này. Ảnh: TL.

Liên minh Châu Âu và Anh đã yêu cầu các chủ thể nước ngoài bán hàng qua thương mại điện tử phải đăng ký và nộp thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với với Đức phải thiết lập kênh thông tin chia sẻ dữ liệu về thuế thương mại điện tử.

Hàn Quốc thắt chặt quy định về sở hữu trí tuệ, bản quyền, kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đang xem xét sửa đổi Đạo luật Thương mại điện tử để bắt buộc các nhà khai thác nền tảng trực tuyến lớn của nước ngoài phải thành lập văn phòng địa phương tại Hàn Quốc.

Còn tại Trung Quốc, người bán phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng để bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử.

Ở 3 thành phố biên giới giáp biên giới Việt Nam của Trung Quốc là Hà Khẩu, Bằng Tường, Đông Hưng, nhiều kho hàng khổng lồ đã và đang được Trung Quốc xây dựng. Các kho hàng này có chức năng thu gom hàng hóa trong nước và phân phối ở nước ngoài. Đây là khu vực được tích hợp kho bãi, thông quan tại chỗ, không cần thông qua các cửa khẩu. Theo đó, việc mua hàng Trung Quốc qua các sàn thương mại điện tử rất thuận tiện và nhanh (thời gian từ đặt hàng đến giao nhận hàng trong vòng 8 giờ).

Chính phủ Trung Quốc và các địa phương giáp biên đưa ra nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, mỗi vận đơn xuất đi đều được hỗ trợ chi phí, thậm chí miễn cước vận chuyển chuyển hàng về Việt Nam.

Trung Quốc cũng tối ưu hóa quy trình thông quan đối với hàng hóa thương mại điện tử xuyên biên giới, cải thiện các biện pháp quản lý, kiểm tra và kiểm dịch, tuy nhiên lại quy định chặt chẽ việc cho phép một số hàng hóa được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc qua thương mại điện tử như phải thuộc Danh sách hàng hóa được nhập khẩu bán lẻ tại Trung Quốc thông qua thương mại điện tử; chỉ cho phép bán hàng hóa tới người tiêu dùng cuối cùng chứ không được mua đi bán lại.

Trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia không cho giao dịch hàng hóa thương mại trên mạng xã hội. Người bán trên các nền tảng thương mại điện tử phải có giấy phép hoạt động và sản phẩm xuất xứ nước ngoài bán vào Indonesia phải có giá tối thiểu 100 USD. Bộ Thương mại Indonesia xác định danh sách hàng hóa được phép bán trực tiếp từ nước ngoài vào Indonesia và giá tối thiểu đối với các hàng hóa này.

Áp dụng biện pháp tương tự, Chính phủ Thái Lan yêu cầu Cục Thuế và Cục Hải quan tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng xuất hiện tràn lan các sản phẩm hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc gây tổn hại cho doanh nghiệp Thái Lan như: thu 7% thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc có giá dưới 1.500 Baht (tương đương 1,1 triệu đồng Việt Nam); kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động khai báo hải quan đối với hàng hóa Trung Quốc, nhất là hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Trong khu vực, quy mô thương mại điện tử Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD). Việt Nam hiện đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Trúc Lam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-nuoc-da-quan-thuong-mai-dien-tu-chat-hon-171175.html