Nhiều nước đua nhau 'hồi hương vàng' sau khi Nga bị trừng phạt
Những lo ngại về địa chính trị, kết hợp với các cơ hội ở các thị trường mới nổi, cũng đang khuyến khích một số ngân hàng trung ương tiến hành đa dạnh hóa dự trữ ngoại hối, giảm phụ thuộc vào đồng USD.
Theo một cuộc khảo sát do công ty dịch vụ tài chính Invesco thực hiện, ngày càng có nhiều quốc gia chuyển vàng dự trữ về nước như một biện pháp phòng vệ, trước tác động từ những lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt đối với Nga.
Những biến động trên thị trường tài chính vào năm ngoái đã gây tổn thất trên diện rộng cho các nhà quản lý quỹ quốc gia, những người đang cân nhắc lại chiến lược -vốn được xây dựng trên dự báo rằng lạm phát cao và căng thẳng địa chính trị sẽ kéo dài.
Hơn 85% trong số 85 quỹ tài sản của chính phủ và 57 ngân hàng trung ương tham gia nghiên cứu hàng năm của Invesco cho rằng lạm phát trong thập kỷ tới sẽ cao hơn so với thập kỷ trước.
Vàng và trái phiếu của các thị trường thị trường mới nổi được coi là những lựa chọn tốt trong môi trường đó. Nhưng việc phương Tây đóng băng gần một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga vào năm ngoái (liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine) dường như đã dẫn tới một sự thay đổi.
Cuộc khảo sát cho thấy "một số lượng đáng kể" các ngân hàng trung ương lo ngại rằng một tiền lệ đã hình thành. Gần 60% thể chế, tổ chức tài chính tham gia nghiên cứu của Invesco cho biết điều đó đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn, trong khi số lượng ngân hàng trung ương đang giữ dự trữ vàng ở trong nước đã tăng từ 50% hồi năm 2020 lên 68% vào năm nay.
Những lo ngại về địa chính trị, kết hợp với các cơ hội ở các thị trường mới nổi, cũng đang khuyến khích một số ngân hàng trung ương tiến hành đa dạnh hóa dự trữ ngoại hối và giảm phụ thuộc vào đồng USD.
7% tin rằng nợ của Mỹ tăng cũng là một tác động tiêu cực đối với đồng bạc xanh, mặc dù hầu hết vẫn không thấy có lựa chọn nào khác đủ mạnh để thay thế USD, trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Những người coi đồng NDT của Trung Quốc là một đối thủ tiềm năng của USD đã giảm từ 29% vào năm ngoái xuống 18%.
Gần 80% trong số 142 tổ chức được khảo sát coi căng thẳng địa chính trị là rủi ro lớn nhất trong thập kỷ tới, trong khi 83% cho rằng lạm phát là mối lo ngại trong 12 tháng tới.
Cơ sở hạ tầng hiện được coi là loại tài sản hấp dẫn nhất, đặc biệt là những dự án liên quan đến sản xuất năng lượng tái tạo. Ngược lại, xu hướng lãi suất tăng cùng với thói quen làm việc tại nhà và mua sắm trực tuyến “bén rễ” trong mùa dịch khiến bất động sản trở thành loại tài sản tư nhân kém hấp dẫn nhất.
Invesco cho biết các quỹ tài sản hoạt động tốt trong năm ngoái đều nhận ra rủi ro từ giá tài sản bị "thổi" lên và sẵn sàng thực hiện những thay đổi đáng kể trong danh mục đầu tư. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai./.