Nhiều phản ánh của cư dân chưa được giải quyết
Tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng bất thành bởi những mâu thuẫn, tranh chấp trước đó giữa chủ đầu tư và cư dân chưa được giải quyết. Các tranh chấp chưa được giải quyết triệt để chính là lý do dẫn đến 'cuộc chiến' tranh chấp chung cư kéo dài dai dẳng.
Câu chuyện tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân tại dự án Chung cư Thống Nhất Complex 82 Nguyễn Tuân là một trong những điển hình cho việc tranh chấp chung cư vẫn chưa hạ nhiệt. Là một điểm nóng về tranh chấp chung cư trên địa bàn quận Thanh Xuân thời gian qua, sáng 11/10, chủ đầu tư dự án Chung cư Thống nhất Complex 82 Nguyễn Tuân là Công ty TNHH Thống nhất- Bắc Việt tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần một để bầu Ban Quản trị của khu nhà sau gần 3 năm bàn giao cho người dân về ở.
Tuy nhiên, hội nghị đã không thể diễn ra như dự kiến bởi giữa chủ đầu tư và cư dân vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được những tranh chấp liên quan đến phí bảo trì, phần diện tích bị thiếu hụt của cư dân, việc minh bạch quản lý phí dịch vụ…
Một trong những vấn đề quan trọng dẫn đến phản ứng của cư dân là khoản phí bảo trì 2% vẫn chưa được chủ đầu tư làm rõ. Theo ông Phạm Minh Nhật (Phòng A1508- Tháp A), việc phải chốt được số tiền phí bảo trì chủ đầu tư phải bàn giao cho Ban Quản trị sau này mới có thể tiến hành hội nghị nhà chung cư. Ông Nhật cho rằng, trong nội dung hội nghị nhà chung cư không hề đề cập đến khoản phí này.Phần diện tích thiếu hụt của mỗi căn hộ là vấn đề cũng được cư dân đề cập với chủ đầu tư, thế nhưng đã lâu vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Bên cạnh những tranh chấp chưa được giải quyết, một nguyên nhân khác dẫn đến hội nghị nhà chung cư ở dự án này bất thành là việc chủ đầu tư đã thất hứa và không đảm bảo quyền lợi của cư dân.
Theo anh Nguyễn Văn Khoa, (phòng 1906- tháp A) trong cuộc họp với đại diện các tầng để tổ chức hội nghị nhà chung cư, chủ đầu tư đã hứa sẽ tổ chức một cuộc họp để chốt các nội dung về các ý kiến góp ý của cư dân. Bên cạnh đó, còn để chốt nhân sự bầu Ban Quản trị.
“Cư dân đã góp ý nhưng chủ đầu tư lờ phần góp ý của cư dân đi. Bộ tài liệu dày mấy chục trang mà cư dân không được nghiên cứu xem trước, cứ thế bỏ phiếu thì khác nào mua dây buộc mình. Cư dân đã yêu cầu chỉnh sửa rất nhiều vấn đề trong đó có quy chế thu chi tài chính, quy định hoạt động của Ban Quản trị, những điểm bất lợi cho cư dân chủ đầu tư đã không sửa đổi”, anh Khoa cho biết.
Tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư tại dự án chung cư Thống Nhất Complex 82 Nguyễn Tuân đã từng được Báo CAND phản ánh khi mâu thuẫn giữa hai bên lên đỉnh điểm đợt cuối tháng 6/2020 vừa qua. Phản ứng trước việc chủ đầu tư không thống kê và công khai các khoản chi làm cơ sở tính phí dịch vụ, một số hộ dân trong khu nhà đã bị chủ đầu tư cắt nước sinh hoạt.
Theo thống kê, đến nay có khoảng 13,5% dân số Hà Nội đang sinh sống ở chung cư. Thành phố có gần 2.600 chung cư, chiếm 58% số lượng chung cư của cả nước, trong đó có 845 chung cư thương mại. Vấn đề tranh chấp tại các chung cư trên địa bàn xảy ra tại nhiều chung cư từ bình dân đến cao cấp. Sự đối đầu giữa chủ đầu tư và cư dân đã diễn ra nhiều năm nay và chưa bao giờ bớt “nóng”. Các cơ quan chức năng cũng đã có những động thái để “hạ nhiệt”, nhưng dường như vẫn chưa có một “liều kháng sinh” đủ mạnh để đặc trị.
Theo luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự (Đoàn luật sư TP Hà Nội), những động thái của các cơ quan như Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng TP Hà Nội cho thấy các cơ quan chức năng cũng mong muốn giải quyết dứt điểm những tranh chấp chung cư xảy ra thời gian qua. Tuy nhiên, muốn giải quyết được bài toán này cần thiết phải có những phương “thuốc đặc trị” các chủ đầu tư làm sai quy định. Ví dụ như Nghị định số 91/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/1/2020, chủ đầu tư nếu không nộp hồ sơ, không cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua làm thủ tục cấp sổ hồng sẽ bị phạt tùy vào mức độ vi phạm, tối đa có thể bị phạt 1 tỷ đồng, mức phạt mới này khá cao nhưng không đủ răn đe.
“Các chủ đầu tư thế chấp dự án, vay tiền để đầu tư nơi khác sinh lãi hàng trăm tỉ đồng, họ sẵn sàng bỏ ra 1 tỉ đồng nộp phạt. Nếu không kèm theo những chế tài khác thì khó ngăn chặn được tình trạng chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho khách hàng”, Luật sư Bùi Quang Hưng phân tích.
Hoặc như quỹ bảo trì chung cư trung bình thường khoảng vài chục tỷ đồng, thậm chí lên đến hàng trăm tỷ đồng, nên việc chây ỳ, chiếm dụng quỹ bảo trì có thể mang về nguồn thu đáng kể, thậm chí giúp chủ đầu tư tận dụng nguồn tiền này vào mục đích khác. Đây là lý do, các chủ đầu tư luôn muốn né tránh khi nhắc đến việc bàn giao quỹ bảo trì chung cư.