Nhiều quốc gia kêu gọi G7 loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch
Giới lãnh đạo của 7 quốc gia, bao gồm Hà Lan và Chile, khẳng định: Nhóm G7 phải đi đầu trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Họ cũng muốn thúc đẩy G7 ký một thỏa thuận toàn cầu về việc dần dần từ bỏ dầu mỏ, than đá và khí đốt trong năm nay.
Các quốc gia, bao gồm cả 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU), đang hy vọng rằng tất cả những quốc gia tham gia COP28 sẽ đồng ý loại bỏ dần việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Về cơ bản, ý tưởng trên cũng đã được đưa ra trong sự kiện COP27 và thu hút được vài ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, những quốc gia giàu có về dầu khí đã ngăn cản điều này.
Cuộc họp ngày 19/5 giữa các nhà lãnh đạo G7 tại Hiroshima (Nhật Bản) được cho là sẽ tiết lộ mong muốn của các nền kinh tế tiên tiến trên toàn thế giới.
Theo Reuters, trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo G7 vào ngày 18/5, các tổng thống và thủ tướng từ 7 quốc gia khác đã kêu gọi thúc đẩy tạo ra một thỏa thuận loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
“Chúng ta phải chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Chúng tôi kêu gọi các vị trở thành người đi đầu, và cùng với chúng tôi, hãy ủng hộ ý định này tại COP28” - trích dẫn nội dung bức thư.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2023 (COP28), sẽ bắt đầu vào ngày 30/11 tại Dubai.
Bức thư còn có chữ ký của các nhà lãnh đạo của New Zealand, quần đảo Marshall, Palau, Saint Lucia và Vanuatu. Đây là 4 quốc đảo nhỏ dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu, và có ảnh hưởng chính trị lớn trong những cuộc đàm phán trước đây của Liên Hợp Quốc.
Các quốc gia cho biết, G7 cũng nên hỗ trợ phát triển những mục tiêu toàn cầu mới về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Vào tháng 4, lần đầu tiên, các bộ trưởng khí hậu của các nước G7 đã đồng ý đẩy nhanh “công việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch”. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa rõ ràng.
Nhiều quốc gia khác đã bật đèn xanh cho việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Trong tháng này, ông Sultan al-Jaber - Đại diện của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất kiêm Chủ tịch COP28, đã kêu gọi các nước tập trung vào việc “loại bỏ dần lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch”. Nếu như vậy, các quốc gia có thể tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời sử dụng cả những công nghệ để thu giữ lượng khí thải CO2 từ hoạt động tiêu thụ.