Nhiều quy định mới bảo đảm quyền lợi của người mua bảo hiểm nhân thọ

Ngày 28-9, chia sẻ với báo chí về tổng quan thị trường bảo hiểm 8 tháng đầu năm, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, trong 8 tháng có 1,009 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới, giảm 18,8% cùng kỳ.

 Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ về thị trường bảo hiểm

Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ về thị trường bảo hiểm

Tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường ước đạt gần 16.000 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt hơn 93.700 tỷ đồng.

Về trả tiền bảo hiểm 8 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả ước đạt hơn 37.000 tỷ đồng, giảm 3,2% so với cùng kỳ.

Hiện nay mới chỉ khoảng 11% dân số Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, trong khi mục tiêu Chính phủ đề ra là đến 2030 đạt 18%, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đánh giá “con đường còn rất gian nan”.

Chia sẻ thêm, ông Ngô Trung Dũng cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và Nghị định 67/2023 đã có nhiều quy định mới nhằm nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, bảo vệ quyền lợi của khách hàng tốt hơn.

Trong đó, riêng khâu tư vấn bảo hiểm thời gian qua bị không ít khách hàng phản ánh “tôi cứ tưởng đi gửi tiết kiệm ngân hàng, không ngờ lại là mua bảo hiểm”, ông Dũng cho biết, hiện quy định mới yêu cầu quá trình tư vấn phải được ghi âm, đảm bảo khách hàng được tư vấn đầy đủ về sản phẩm bảo hiểm.

Kênh phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (Bancassurance) hiện cũng phải tuân theo quy định chặt chẽ hơn trước rất nhiều, với các quy định về quầy tư vấn riêng, số lượng nhân viên có chứng chỉ về bảo hiểm, hay quy định cấm các ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay cho khách hàng…

Nói thêm về những vướng mắc, tranh chấp phát sinh trong bảo hiểm nhân thọ, ông Ngô Trung Dũng nêu 1 trong 7 nhóm thường phát sinh tranh chấp là những sự việc có dấu hiệu gian lận bảo hiểm.

“Ước tính trong số khoảng 50.000 tỷ đồng các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả mỗi năm, có khoảng 2-6% trong số đó là bị gian lận”, ông Dũng nói và cho biết nhiều trường hợp không chứng minh được là gian lận dù có một số dấu hiệu, nên công ty bảo hiểm vẫn phải chi trả.

Ngày 28-9, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổ chức chương trình tìm hiểu chuyên sâu về bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, các chuyên gia chia sẻ cách đọc hiểu báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm nhân thọ. Lãnh đạo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cập nhật các thông tin về thị trường bảo hiểm, các quy định pháp lý đặc thù của bảo hiểm nhân thọ…

MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-quy-dinh-moi-bao-dam-quyen-loi-cua-nguoi-mua-bao-hiem-nhan-tho-post761185.html