Nhiều 'rào cản' phát triển nông nghiệp sạch
Dù nhu cầu thị trường về nông sản an toàn ngày càng tăng, nhưng việc phát triển nông nghiệp sạch tại tỉnh Điện Biên vẫn gặp không ít khó khăn. Từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu liên kết trong tiêu thụ sản phẩm đến hạn chế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật… Tất cả đang trở thành 'rào cản' khiến nhiều mô hình chưa thể nhân rộng, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Xuất phát từ niềm đam mê làm nông và mong muốn tìm hướng đi mới trên chính mảnh đất quê hương, anh Cà Văn Thành, trú tại bản Ten Luống, xã Thanh An đã mạnh dạn đưa giống nho Hạ đen từ tỉnh Sơn La về trồng thử nghiệm. Khác với các loại cây trồng truyền thống, loại nho này chủ yếu sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học. Theo anh Thành, nho Hạ đen là cây trồng tương đối "khó tính", đòi hỏi kỹ thuật cao và sự tuân thủ nghiêm ngặt trong quá trình chăm sóc, đặc biệt là giai đoạn ra hoa, đậu quả.

Anh Cà Văn Thành cùng các thành viên trong gia đình chăm sóc vườn nho Hạ đen.
Dù bước đầu mô hình nho Hạ đen của anh Cà Văn Thành cho tín hiệu khả quan, nhưng việc mở rộng quy mô trong những năm tiếp theo vẫn là bài toán khó. Bởi nguồn vốn đầu tư ban đầu quá lớn, khoảng hơn 100 triệu đồng cho mỗi 1.000m²; trong khi đó thời gian thu hồi vốn kéo dài và rủi ro kỹ thuật cao nếu không tuân thủ đúng quy trình. Cùng với đó, việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ tín dụng còn hạn chế khiến mong muốn nhân rộng mô hình của anh Thành vẫn đang phải tạm gác lại.
Anh Cà Văn Thành chia sẻ: “Muốn làm lớn nhưng vốn chưa cho phép, kỹ thuật lại chưa thực sự chủ động nên trước mắt tôi vẫn duy trì quy mô nhỏ để tích lũy thêm kinh nghiệm.”
Bên cạnh những khó khăn về nguồn lực thì việc thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của người dân cũng là một trong những thách thức lớn khi triển khai các mô hình nông nghiệp sạch.
Vụ đông xuân 2024 - 2025, tỉnh Điện Biên lần đầu tiên thực hiện mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô gần 86ha. Bước đầu, mô hình đã đem lại nhiều tín hiệu khả quan như: Năng suất đạt gần 75 tạ/ha, chi phí vật tư giảm và chất lượng gạo tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, để tiếp tục mở rộng quy mô trong vụ lúa tiếp theo, người dân và các cơ quan liên quan vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là việc thay đổi thói quen canh tác truyền thống.
Chị Trần Thị Hương Quế, Giám đốc Hợp tác xã Tâm Thiện, xã Thanh An cho biết: “Hiện nay, vẫn còn một số hộ dân e ngại việc áp dụng kỹ thuật mới đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt từng bước (rút nước theo nguyên tắc ướt – khô xen kẽ, sử dụng phân bón cân đối cùng các chế phẩm sinh học thay vì phương pháp truyền thống).”

Chị Trần Thị Hương Quế kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất bán ra thị trường.
Không chỉ với cây lương thực hay cây ăn quả, những thách thức cũng đang hiện hữu rõ nét ở lĩnh vực hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao.
Đơn cử như diện tích hơn 1.000m2 trồng lan ứng dụng công nghệ cao tại bản Hong Hin, xã Thanh Nưa của gia đình bà Nguyễn Thị Biên. Việc đầu tư hệ thống nhà màng kiên cố, sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhưng đồng thời cũng làm đội chi phí sản xuất, khiến giá thành hoa lan cao hơn, khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập từ nơi khác. Trong khi đó, tại thị trường Điện Biên, nhu cầu tiêu thụ hoa lan chưa thực sự lớn, việc liên kết đầu ra cũng chưa ổn định, khiến mô hình gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng và phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Biên chia sẻ: “Chúng tôi rất tâm huyết với mô hình này. Song để phát triển bền vững và mở rộng tiếp thì hiện nay rất khó vì khi sản xuất theo hướng sạch, an toàn giá sản phẩm sẽ cao hơn, khó cạnh tranh trên thị trường.”

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại xã Thanh Nưa.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Điện Biên đã triển khai hơn 400 chương trình, dự án hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, với quy mô canh tác lên tới hơn 10.000ha. Đây là bước tiến quan trọng trong định hướng xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn không ít khó khăn. Rào cản lớn nhất hiện nay là nhận thức của người nông dân còn chưa đầy đủ, nhiều hộ chưa thực hiện đúng và đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của nông nghiệp sạch. Bên cạnh đó, nguồn lực của doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ còn hạn chế; cơ chế, chính sách hỗ trợ chưa đồng bộ. Trong khi yếu tố thị trường, đặc biệt là đầu ra ổn định cho sản phẩm vẫn là bài toán chưa có lời giải rõ ràng.

Nhiều mô hình nông nghiệp sạch đã được triển khai tại tỉnh Điện Biên song vẫn dừng ở quy mô nhỏ, lẻ.
Thực tế cho thấy, dù đã có những tín hiệu tích cực từ một số mô hình thí điểm, nhưng để nông nghiệp sạch trở thành hướng đi chủ lực, bền vững tại Điện Biên vẫn cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, nâng cao nhận thức cho người dân, hỗ trợ vốn, chuyển giao kỹ thuật hiệu quả và đặc biệt là xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định sẽ là những yếu tố then chốt, góp phần tháo gỡ “nút thắt” hiện nay, tạo đà cho nông nghiệp sạch phát triển xứng với tiềm năng và lợi thế địa phương.