Nhiều tác phẩm phản biện chính sách giáo dục đoạt giải cao Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam' năm 2023

Chiều 16.11, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam' năm 2023.

Loại hình báo điện tử có số lượng bài dự thi cao nhất

Phát biểu khai mạc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn - Phó trưởng Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức giải cho biết, năm 2023, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” nhận bài dự thi từ tác phẩm báo chí đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ ngày 5.9.2022 đến ngày 5.9.2023.

Đây cũng là khoảng thời gian diễn ra nhiều hoạt động quan trọng đối với ngành giáo dục, trong đó nổi bật là hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; chuẩn bị tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc họp báo (Ảnh: Thế Đại)

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc họp báo (Ảnh: Thế Đại)

Thứ trưởng nhìn nhận, trong thời gian qua, báo chí đã luôn đồng hành đầy trách nhiệm, tâm huyết với ngành Giáo dục. Báo chí đã kịp thời ghi nhận, phản ánh, phản biện để thông tin đến được nhanh nhất, chính xác nhất tới người dân, những người làm công tác quản lý trong ngành, tới đội ngũ nhà giáo; vừa phản biện, gợi ý, tham vấn giải pháp có chiều sâu với ngành Giáo dục…

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023 nhận được gần 800 tác phẩm tham dự trong đó số lượng lớn nhất là loại hình báo điện tử, sau đó đến báo in, truyền hình, phát thanh. 85 tác phẩm suất sắc nhất được lựa chọn vào vòng Chung khảo.

Ban giám khảo đã chọn ra 1 giải Đặc biệt; mỗi loại hình 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích. Có 2 nhân vật tiêu biểu theo truyền thống hằng năm của Giải được lựa chọn. Ngoài ra, năm nay còn có giải phụ mang tên giải Cống hiến dành cho đơn vị báo chí tham gia tích cực, hiệu quả nhất, có cống hiến nhiều nhất.

Toàn cảnh họp báo (Ảnh: Thế Đại)

Toàn cảnh họp báo (Ảnh: Thế Đại)

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, qua các tác phẩm báo chí, những chuyển động của ngành giáo dục, những điều ngành giáo dục đã nỗ lực, cố gắng cũng như những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc hạn chế đã đến được với người dân, với độc giả. Từ đó, xã hội hiểu hơn về ngành để cùng chia sẻ, đồng hành trong quá trình đổi mới luôn có nhiều khó khăn, thử thách.

“Giáo dục đào tạo luôn là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội. Để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện, công việc của ngành giáo dục vốn khó khăn vất vả, luôn có nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng tôi luôn mong muốn và trân trọng mọi sự chung tay đối với ngành, trong đó không thể thiếu sự ủng hộ đổng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông”, Thứ trưởng nói.

Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên đến từ các cơ quan báo chí trung ương, địa phương trên cả nước tiếp tục dành sự quan tâm, hưởng ứng nhiều hơn nữa, có nhiều tác phẩm về giáo dục hay hơn nữa. Đây chính là sự đồng hành thiết thực, ý nghĩa với ngành giáo dục trong quá trình đổi mới.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Hội đồng Chung khảo, số lượng và chất lượng các tác phẩm dự thi Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm nay ngày càng cao; đề tài đa dạng, phong phú. Giải thu hút sự tham gia của đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Hội đồng Chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023 (Ảnh: Thế Đại)

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Hội đồng Chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2023 (Ảnh: Thế Đại)

Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, đã phản ánh những vấn đề thời sự giáo dục như: Đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển đổi số trong giáo dục, mô hình trường học an toàn, hạnh phúc… Nhiều tác phẩm nêu những tấm gương thầy cô, nhà trường có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, nhưng cũng có tác phẩm phản biện các chính sách và hoạt động trong ngành để kiến tạo những giải pháp góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Đáng chú ý, ở loại hình báo điện tử, có nhiều loạt bài công phu từ 3-5 kỳ. Bài viết được trình bày hiện đại, công phu dưới dạng Mega Story, Emagazine, Longform với đầy đủ các loại hình: text, ảnh, video, đồ họa. Nội dung một số tác phẩm được chuyển tải bằng hình thức mới mẻ và hấp dẫn khi kết hợp nhiều loại hình báo chí hiện đại, tương tác trực tiếp, tạo hiệu ứng để thu hút bạn đọc.

Trong 4 tác phẩm đoạt giải cao nhất, có 3 tác phẩm liên quan đến phản biện chính sách giáo dục

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các tác phẩm đoạt giải đã giúp Bộ GD-ĐT nhìn nhận thực tế và đưa ra những quyết sách như thế nào để đáp ứng mong mỏi của người dân, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT luôn lắng nghe thông tin từ báo chí, không chỉ những bài báo được trao giải. Không phải đến lúc trao giải Bộ mới lắng nghe, mà đã thường xuyên lắng nghe để chỉ đạo kịp thời.

Qua nhiều năm, tiếng nói của cơ quan báo chí đều có tác dụng. Có những bài báo có tác động giúp Bộ điều chỉnh ngay, có những bài giúp Bộ nhìn nhận và điều chỉnh dần.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” sẽ đưa ra những tiêu chí chấm giải đánh giá cao hơn về việc đóng góp đối với xây dựng chính sách, tác động đối với chính sách.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trả lời các câu hỏi từ báo chí (Ảnh: Thế Đại)

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trả lời các câu hỏi từ báo chí (Ảnh: Thế Đại)

Trả lời câu hỏi về vấn đề chất lượng các tác phẩm có tính phản biện được trao giải năm nay, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, thành viên Hội đồng Chung khảo cho biết, số lượng các tác phẩm có tính phản biện dự thi năm nay nhiều hơn, đề tài rộng hơn, gồm các vấn đề đặt ra cho giáo dục hiện nay.

Sau 5 năm, nhóm đề tài về gương tốt có xu hướng giảm nhẹ, còn những vấn đề tồn tại về chế độ chính sách liên quan đến Giáo dục cũng được phản ánh chân thực và trao giải.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại trao đổi thêm, năm nay, nhiều bài phản biện chính sách được trao giải cao. Trong 4 tác phẩm đoạt giải cao nhất, đã có 3 tác phẩm liên quan đến vấn đề phản biện chính sách giáo dục.

Năm 2023 là năm thứ 6 Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam". Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện.

Giải nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà và tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Qua đó, nhằm tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm nay, Ban Tổ chức đã nhận được gần 800 tác phẩm tham dự của 4 loại hình: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh và Truyền hình. Kết quả chọn được 85 tác phẩm vào chung khảo. Từ những tác phẩm này, Hội đồng Chung khảo đã đề xuất 1 giải Đặc biệt; 4 giải Nhất; 8 giải Nhì; 12 giải Ba, 34 giải Khuyến khích và 2 nhân vật tiêu biểu 1 trong 2 tác phẩm đoạt giải và 4 giải Phụ - giải Cống hiến.

Theo Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.

Ở lần tổ chức các năm trước, tác phẩm tham dự giải đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc. Ở mùa Giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.

Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được tổ chức thường niên, thể hiện sự quan tâm của Bộ GD-ĐT đối với các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước, bởi báo chí đã luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới.

Đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Thành công của Giải cho thấy vai trò của báo chí đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà và vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục đào tạo với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Liên - Đinh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/nhieu-tac-pham-phan-bien-chinh-sach-giao-duc-doat-giai-cao-giai-bao-chi-toan-quoc-vi-su-nghiep-giao-duc-viet-nam-nam-2023-i350390/