Nhiều tàu biển hủy bỏ hải trình đến Việt Nam sau khi tàu Aida Vita bị Quảng Ninh từ chối
Nhiều tàu biển đã hủy bỏ hải trình đến Việt Nam sau sự việc UBND tỉnh Quảng Ninh từ chối cấp phép cập cảng Hạ Long đối với tàu du lịch Aida Vita. Con tàu chở hơn 1.000 du khách quốc tịch châu Âu sau đó đã lập tức quay đầu và được Thái Lan, Singapore và Malaysia chào đón.
Mất đi cơ hội đón khách tàu biển trong năm 2020
Được cho là "quyết định thiếu sáng suốt", sau khi Quảng Ninh từ chối con tàu với 100% khách du lịch quốc tịch châu Âu, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ mất đi cơ hội đón tiếp hàng chục ngàn lượt khách tàu biển trong năm 2020 và điều quan trọng hơn nữa là hình ảnh du lịch Việt trong mắt bạn bè quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện tại, hàng loạt tàu biển đã thông báo hủy tour tới Nha Trang trong tháng 2-3.2020. Trong đó, tàu Norwegian Cruises (ngày 14.2 và 19.2), tàu Celebrity Cruises (ngày 18.2 và 20.2), tàu Tui Cruises (ngày 7.3)… Ngoài ra, các cảng TP.HCM, Đà Nẵng, Hạ Long cũng bị hủy khá nhiều lịch trình của các hãng tàu. Riêng tàu Aida Vita có thể hủy toàn bộ kế hoạch đến Việt Nam năm 2020.
Theo thông tin từ Công ty lữ hành Saigontourist, toàn bộ kế hoạch đón khách tàu biển của công ty đã bị hủy đến hết tháng 3 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. “Thiệt hại cũng rất nhiều nhưng doanh nghiệp chúng tôi chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch của các địa phương, của Bộ, ngành liên quan và đặt mục tiêu an toàn lên trên hết, chờ đến khi dịch lắng xuống sẽ cố gắng tìm cách thu hút khách trở lại" - Đại diện Công ty cho biết.
Năm 2019, Việt Nam đón 264.000 lượt khách tàu biển nhưng chỉ riêng tháng 1.2020, lượng khách tàu biển đến nước ta tăng vọt lên 80.000 lượt. Nhiều cảng tàu của Việt Nam đã từng đón và có năng lực đón tiếp các tàu du lịch cỡ lớn trên thế giới như: Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long (Quảng Ninh), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế), cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), cảng Nha Trang (Khánh Hòa), cảng Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), bến tàu khách trên sông Sài Gòn - Nhà Bè (TP.HCM)… Nhiều hãng tàu biển có khả năng chở khách lớn hàng đầu thế giới đã cập cảng Việt Nam như: Quantum of the seas, Voyages of the Seas, Dream Cruises, Super Star Aquarius, Princess Cruises…
Trước đó, tại văn bản số 727/UBND-DL1 vì lý do phòng chống dịch Covid-19, tàu Aida Vita không được cập cảng Hạ Long, con tàu này hủy luôn kế hoạch vào 3 cảng tiếp theo của Việt Nam.
Aida Vita không vào Việt Nam nhưng ngay sau đó tàu được Thái Lan, Malaysia và Singapore chào đón. Lúc 23h58 ngày 14.2 tàu du lịch này đã cập cảng Bangkok (Thái Lan) và lưu lại đến hết ngày 17.2. Ngày 20.21.2 cập cảng ở Malaysia và 22-23.2 cập cảng Singapore.
Không lơ là phòng dịch nhưng cũng không nên quá lo sợ
Du lịch bằng đường biển trên những du thuyền siêu sang từ lâu đã là xu hướng được ưa thích trên thế giới. Ở các quốc gia có ngành công nghiệp biển phát triển như Singapore, HongKong.. du lịch tàu biển là nơi hái ra tiền.
Theo một nghiên cứu từng công bố của Hiệp hội Quốc tế các hãng tàu biển du lịch (Cruise Lines International Association - CLIA) riêng trong năm 2017, ngành công nghiệp du lịch tàu biển tại Singapore đạt kỷ lục với 1,38 triệu lượt khách. Nghiên cứu cũng chỉ ra, du khách đến Singapore đã “mạnh tay” hơn trong việc chi tiêu cho các sản phẩm du lịch khiến doanh thu năm 2017 của ngành công nghiệp không khói ở quốc đảo sư tử tăng đột biến.
Còn theo thống kê của Tổng cục du lịch Singapore, chỉ riêng hai siêu du thuyền Ovation of the Seas và Voyager of the Seas của hãng tàu biển Royal Caribbean- hãng tàu biển danh giá thế giới trong 3 tháng quý II của năm 2017 đã mang theo 45.000 lượt khách quốc tế đến Singapore với doanh thu 26 triệu USD.
Là quốc gia nằm ở trung tâm Đông Nam Á, có tuyến giao thông hàng hải thuận lợi nằm gần với trung tâm cảng biển phát triển hiện đại trên thế giới như HongKong, Singapore, Thượng Hải… nên Việt Nam rất thuận lợi trong việc kết nối hải trình du lịch tàu biển với các khu vực trên thế giới. Các chuyên gia du lịch nhận định, "mỏ vàng" của du lịch Việt Nam- du lịch tàu biển vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, sự tác động tiêu cực của dịch bệnh đã gây nên những thiệt hại về kinh tế, trong đó du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang có những giải pháp khoanh vùng, kiểm soát dịch bệnh rất tốt. Không thể chủ quan lơ là, nhưng cũng không thể quá lo sợ mà có những quyết định thiếu chính xác làm ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế đất nước. Trọng tâm là phòng chống khoanh vùng dịch bệnh nhưng song song các hoạt động sản xuất kinh doanh, đón khách du lịch vẫn phải được thực hiện (theo đúng các quy định của Bộ Y tế) để không ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam- điểm đến an toàn, thân thiện.