Nhiều thách thức trong mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030
Dịch có xu hướng tăng trở lại và trẻ hóa độ tuổi mắc tại một số địa phương đã là áp lực lớn mà ngành Y tế phải đối mặt nếu muốn thực hiện mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV vào năm 2030.
Bức tranh màu xám
An Giang hiện có khoảng 7.700 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Trong năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận 560 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 158 trường hợp tử vong, đứng thứ 5 toàn quốc về số trường hợp mới phát hiện HIV, sau TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.
Tính đến ngày 28/5/2024, số người nhiễm HIV đang còn sống tại An Giang là 7.507 trường hợp; tổng số người nhiễm HIV tử vong là 6.082 trường hợp.
Theo bác sĩ Dương Anh Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh An Giang, trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV năm 2023, ghi nhận có hơn 80% là nam giới và 78% là lây nhiễm qua đường tình dục. TPLong Xuyên hiện là địa bàn có số ca phát hiện mới cao nhất, chiếm 18.63%.
Theo dữ liệu giám sát phát hiện giai đoạn 2000- 2023, dịch HIV tại tỉnh có xu hướng tăng trở lại và gia tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm MSM trẻ.
Cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do các yếu tố liên quan như: sự di biến động, hành vi quan hệ tình dục không an toàn và thiếu các biện pháp can thiệp hiệu quả.
“Trong quý I năm 2024, tổng số người được xét nghiệm HIV là 14.094 lượt người, trong đó HIV dương tính 91 người, trong đó, nhóm MSM chiếm 24%. Nếu như năm 2018, An Giang phát hiện 25 ca trong nhóm MSM thì đến năm 2023, con số này tăng lên 205 ca”, bác sĩ Linh cho hay.
Tính đến 31/3/2024, An Giang có 11 cơ sở y tế điều trị HIV sử dụng thuốc ARV nguồn BHYT. Số người nhiễm HIV đang quản lý điều trị ARV là 5.806, trong đó 88 trẻ em nhiễm HIV, 5.744 người đang điều trị thuốc ARV do bảo hiểm y tế chi trả (chiếm tỷ lệ 98,9%).
Bác sĩ Dương Anh Linh, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trở lại vì địa bàn rộng, có đường biên giới nên việc kiểm soát, giám sát vẫn gặp nhiều khó khăn.
Còn với thực tế dịch HIV tại Đồng Tháp, 10 năm qua, số người nhiễm HIV ở Đồng Tháp vẫn tăng hàng năm. Mỗi năm, địa phương phát hiện gần 400 trường hợp nhiễm HIV, riêng năm 2019 có tới 416 trường hợp. Dĩ nhiên, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”.
Những năm gần đây số người nhiễm HIV tiếp tục tăng lên, do công tác tăng cường giám sát, truy tìm ca nhiễm mất dấu trong cộng đồng và mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế tư nhân, trạm y tế, xét nghiệm lưu động và xét nghiệm không chuyên…
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Quý, trước đây, HIV ở Đồng Tháp chủ yếu ở nhóm tiêm chích ma túy và mại dâm, thì 3 năm nay, nhóm này chiếm tỷ lệ thấp, trong khi nhiễm HIV ở nhóm MSM lại tăng cao.
Từ 2021 đến 2024, trung bình, mỗi năm có hơn 80 người nhiễm HIV mới là MSM. Hiện Đồng Tháp có khoảng 1.300 người MSM.
Đáng báo động khi dịch HIV/AIDS ở Đồng Tháp đang trẻ hóa, nhiều trẻ em mới 15 tuổi đã nhiễm HIV. Trong số các ca nhiễm mới, lứa tuổi 15-25 tăng nhanh và 99% là lây qua đường tình dục. Đây thực sự là hồi chuông cảnh báo về việc cần phải thay đổi chiến lược can thiệp truyền thông và thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng trẻ.
Tình hình dịch HIV/AIDS tại Đồng Tháp có tương đồng giữa các tỉnh với đồng bằng sông Cửu Long, đó là số ca nhiễm mới trong nhóm nam quan hệ đồng giới tăng mạnh. Năm 2017, tỷ lệ lây nhiễm qua tình dục không an toàn, chủ yếu trong nhóm MSM chiếm 94,4% và đến năm 2023 tăng lên 99,1%.
Khó khăn bủa vây
Dự phòng được coi là chìa khóa để ngăn chặn dịch HIV lây lan mạnh, đặc biệt trong nhóm MSM, tuy nhiên, công tác can thiệp dự phòng tại tỉnh An Giang còn rất nhiều khó khăn.
Theo đó, hiểu biết về điều trị dự phòng (PrEP) còn hạn chế ở những người có nguy cơ cao như nghiện ma túy, bán dâm, nhóm MSM; khách hàng điều trị PrEP chủ yếu là người trẻ, chỗ ở không cố định … dẫn đến không tuân thủ điều trị, không tái khám đúng hẹn, nhất là nhóm sử dụng PrEP tình huống; nhiều người người nghiện bỏ điều trị Methadone hoặc tự ý bỏ liều, chính là nguy cơ để lây truyền HIV.
Sự kỳ thị và tự kỳ thị vì nhiễm HIV vẫn còn ở An Giang, đặc biệt trong nhóm MSM, khiến họ hạn chế tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, nhất là PrEP.
BSCK2. Dương Anh Linh, Phó Giám đốc CDC tỉnh An Giang cho hay, địa phương có 2 khu công nghiệp với khoảng 20.000 công nhân, nhưng CDC tỉnh không thể tiếp cận để truyền thông, do các doanh nghiệp xã hội chưa hợp tác.
Vì thế, hoạt động phòng chống HIV/AIDS gần như bỏ trống ở các khu công nghiệp, trong khi đây là điểm nguy cơ lan truyền dịch HIV rất lớn.
Năm 2023, được sự hỗ trợ kinh phí từ dự án EPIC, An Giang phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur HCM, Trường Đại học Y dược TP.HCM, CDC Hoa kỳ tại Việt Nam triển khai nghiên cứu ước tính kích cỡ quần thể nhóm MSM, nhằm cung cấp số liệu ước tính số lượng MSM trên toàn tỉnh, góp phần lập kế hoạch can thiệp cho nhóm quần thể này.
Đến nay, ước tính có khoảng 8.000 MSM tại tỉnh An Giang, nhưng công tác truyền thông cho nhóm này còn thấp, chưa đạt yêu cầu so với số ước tính, vì trình độ và năng lực của nhân viên tiếp cận cộng đồng hiện nay còn hạn chế, nhân lực nhóm đồng đẳng viên mỏng, việc tìm kiếm khách hàng qua các mạng xã hội chưa hiệu quả.
Bên cạnh đó, sinh phẩm xét nghiệm HIV bị thiếu do hoạt động đấu thầu mua sắm chậm, làm ảnh hưởng đến hoạt động xét nghiệm tìm ca nhiễm mới, Dự phòng PrEP và ảnh hưởng đến công tác điều trị HIV, xảy ra tình trạng nhiều bệnh nhân bỏ điều trị ARV.
Đặc biệt, một trong những thách thức với tỉnh này đó là hiện An Giang chưa huy động được sự tham gia mạnh mẽ của y tế tư nhân, nhà thuốc, doanh nghiệp xã hội, đồng đẳng viên (CBO) vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong khi nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị hạn chế.
Theo Phó Giám đốc CDC An Giang, để khống chế dịch, ngăn chặn lây nhiễm, giảm ca mắc, tỉnh còn rất nhiều việc phải triển khai. Nếu không làm tốt công tác dự phòng, đặc biệt là nhóm MSM thì nguy cơ dịch bùng phát là hiện hữu.
Tìm ca nhiễm mới để điều trị dự phòng bằng thuốc Prep nhằm cắt đứt nguồn lây là điều quan trọng với An Giang lúc này. Song đến nay, An Giang mới tuyển được 55 nhân viên hỗ trợ cộng đồng, tuy nhiên mỗi cơ sở chỉ tuyển được 1-2 nhân viên can thiệp được trực tiếp vào nhóm MSM, đây là con số rất nhỏ so với tình hình dịch gia tăng nhanh như hiện nay.
Với những thực tế đang tồn tại nếu An Giang không có các giải pháp quyết liệt, bức tranh HIV ở An Giang tiếp tục màu xám và mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam chấm dứt dịch HIV sẽ xa vời.