Nhiều thách thức trong phân loại rác tại nguồn
Mức giá dịch vụ thu gom rác mang tính cào bằng, không khuyến khích được người dân và doanh nghiệp phân loại rác, cơ sở hạ tầng và năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu là thách thức mà Hà Nội cũng như nhiều địa phương gặp phải để có thể triển khai phân loại rác tại nguồn, theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì Cộng đồng và Môi trường (Live&Learn).
Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020, từ 1/1/2025, các địa phương thực hiện phân loại rác tại nguồn. Báo Tiền Phong phỏng vấn bà Đỗ Vân Nguyệt về kinh nghiệm thực tiễn cũng như thuận lợi, khó khăn khi triển khai thí điểm phân loại rác tại nguồn ở các địa phương.
Thưa bà, thời gian qua, Live&Learn Việt Nam phối hợp với một số quận/huyện của Hà Nội thực hiện thí điểm phân loại rác tại nguồn, bà có thể chia sẻ các hoạt động thí điểm và kết quả đạt được?
Từ năm 2021 đến nay, Live&Learn đã đồng hành với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng như Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hội Phụ nữ các quận/huyện Đông Anh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên để thí điểm phân loại rác tại nguồn.
Trong đó Đông Anh là huyện tiên phong thí điểm diện rộng chương trình phân loại rác tại nguồn và xử lý rác hữu cơ tại nhà. Tính đến nay, toàn huyện có 100% xã, thị trấn thí điểm và nhân rộng với hơn 50.000 hộ gia đình thực hiện đều đặn thường xuyên.
Một số kết quả nổi bật như tổng lượng rác thải sinh hoạt của huyện giảm 12 tấn mỗi ngày. Việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm khoảng 50 – 70% khối lượng rác của mỗi hộ gia đình trước khi đổ rác. Tổng khối lượng rác thải phải xử lý tập trung giảm 30-50%. Đông Anh trở thành mô hình tiêu biểu về phân loại rác tại nguồn, rất nhiều quận, huyện của Hà Nội và tỉnh thành khác tới tham quan và học hỏi mô hình này.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi nhận thấy, việc thí điểm và lựa chọn phân loại rác tại nguồn phải phù hợp với đặc thù địa phương. Ví dụ, khu vực nội thành sẽ tập trung vào rác tái chế, xem xét kỹ danh mục các loại rác có thể tái chế để phân loại, kết nối cùng các đơn vị thu gom, ve chai và các công ty tái chế để thu gom, xử lý. Với khu vực ngoại thành, tập trung vào rác thực phẩm để phân loại và ủ phân tại nhà, tại vườn và ruộng với nhiều mô hình đa dạng.
Vì thế, ở mỗi địa phương, Live&Learn cùng các đơn vị nhà nước, đoàn thể và các công ty chuyên môn xem xét kỹ tình hình và điều kiện đặc thù của địa phương để từ đó thí điểm và lựa chọn các giải pháp phù hợp.
Song song, chúng tôi cùng các đơn vị môi trường làm việc với ngành giáo dục để đưa mô hình Trường Học Xanh và giải pháp giảm rác trong trường học, nơi các công dân nhí đồng thời phân loại rác và giảm lượng rác thải ở nhà và trường học.
Từ thực tiễn thí điểm phân loại rác tại nguồn, theo bà, đâu là những thuận lợi và khó khăn của Hà Nội để có thể triển khai mở rộng phân loại rác tại nguồn?
Hà Nội có được một thuận lợi lớn là sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính quyền và người dân. Thành phố cũng đã có một số mô hình thí điểm thành công về phân loại rác tại nguồn như ở Đông Anh, hay chương trình Trường Học Xanh để có thể nhân rộng.
Tuy nhiên, để phân loại rác tại nguồn thực sự trở thành thói quen và được triển khai rộng khắp, còn rất nhiều khó khăn và thách thức. Trước hết, để phân loại rác tại nguồn hiệu quả và bền vững thì việc quản lý rác thải phải hiệu quả, từ khâu phân loại cho đến thu gom, xử lý. Hiện nay, cơ sở hạ tầng cũng như năng lực thu gom, vận chuyển, xử lý của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác chưa đáp ứng được yêu cầu cho từng loại rác sau phân loại theo Luật BVMT, cũng như chưa đáp ứng được lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, cơ chế tài chính trong thu gom, vận chuyển và xử lý rác hiện nay chưa thu hút sự quan tâm của cộng đồng, ví dụ như mức giá dịch vụ đang rất thấp và cào bằng, mô hình thu giá dịch vụ không hiệu quả, không khuyến khích người dân giảm rác đồng thời không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Trong khi đó, gánh nặng ngân sách đang ngày càng tăng từ quận huyện (khâu thu gom, vận chuyển) tới thành phố (khâu xử lý). Ngoài ra, chưa có sự gắn kết hợp tác giải quyết các vấn đề mang tính khu vực, liên quận huyện.
Vậy theo bà, thời gian tới, các địa phương cần làm gì để có thể thực hiện được quy định phân loại rác tại nguồn bền vững, hiệu quả theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường?
Thay đổi thói quen phân loại rác là một quá trình lâu dài, bền bỉ và mỗi địa phương cần có mô hình khác nhau. Chúng tôi cũng lưu ý các địa phương khi triển khai cần có quá trình thí điểm, làm nhỏ và chắc chắn với kết quả cụ thể (ví dụ người dân cùng tham gia kiểm kê rác, xây dựng các nhóm nòng cốt) rồi mới nhân rộng.
Đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan (người dân, chính quyền, doanh nghiệp tái chế, các bên vận hành vựa ve chai) trong đường đi của rác để tìm cách phân loại rác và thu gom phù hợp. Cần có lộ trình thực hành và kiên trì thay đổi, trong đó ưu tiên các khu vực sẵn sàng và có tính lan tỏa cao như trường học, văn phòng, chung cư và tổ chức đoàn thể.
Cảm ơn bà!
Theo nghiên cứu, việc phân loại rác tại nguồn có thể giúp mỗi gia đình giảm được 60-75% lượng rác (là rác thực phẩm, có thể ủ phân tại nhà hoặc tại khu vực tập trung), giảm thêm được 15-25% (là rác có thể tái chế - để làm nguyên liệu đầu vào), chỉ còn khoảng 25-30% rác phải xử lý.