Nhiều thách thức về chuỗi cung ứng, nhân lực hàng không sau đại dịch
Trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, các hãng hàng không trên thế giới vẫn đang gặp những thách thức về chuỗi cung ứng thiết bị phụ tùng máy bay, nguồn nhân lực...
Đại diện các hãng hàng không và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định trong bối cảnh ngành hàng không đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể kể từ đại dịch COVID-19, thì nhiều khó khăn vẫn bủa vây, buộc họ phải cân đối nhằm đảm bảo an toàn bay song cũng hướng tới xu thế mở rộng trong tương lai.
Đứt gãy chuỗi cung ứng làm gián đoạn bay
Tại chương trình thảo luận: "Lãnh đạo trong hành động-Quan điểm của quản lý cấp cao về hiện trạng của ngành hàng không" trong khuôn khổ Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 diễn ra từ ngày 19-21/9 tại Hà Nội, ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines đánh giá du lịch bằng đường hàng không đang có tốc độ phục hồi đáng kể vào năm 2023 nhưng tình hình ở châu Á-Thái Bình Dương chưa được khả quan.
Ông Hà chỉ ra nguyên nhân là do lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, chuỗi cung ứng gián đoạn, nhu cầu hàng xuất khẩu bị suy giảm và chính sách mở cửa biên giới muộn của Trung Quốc khiến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trong khu vực phục hồi chậm và không ổn định.
"Đến thời điểm này, lượng khách quốc tế đến và đi từ Việt Nam phục hồi 80% nhưng mức phục hồi trong nội địa chưa đến 75%," Tổng giám đốc Vietnam Airlines đưa ra dẫn chứng.
Một thách thức cũng được các diễn giả và hãng hàng không chỉ ra tại hội nghị đó là đứt gãy chuỗi cung ứng thiết bị bảo dưỡng cho công tác khai thác, an toàn bay và nhân lực trong ngành hàng không sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Hà, việc thiếu các linh kiện thay thế khiến Vietnam Airlines rơi vào tình thế khó khăn, một số linh kiện để sản xuất ra nó phải mất từ một năm trở lên. Điều này dẫn đến việc các máy bay phải “nằm chờ” được sửa chữa vì máy bay không thể bay nếu không có động cơ.
“Hiện Vietnam Airlines còn rất nhiều động cơ trong xưởng mà không có ngày hoàn thành sửa chữa chính xác, thời gian sửa chữa của xưởng nay đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Bên cạnh đó, Hãng cũng có một danh sách dài các động cơ chờ được sửa chữa. Việc tìm kiếm nguồn cho thuê động cơ với giá hợp lý hiện nay dường như cũng không thể. Đó là lý do Vietnam Airlines không thể tận dụng hết số máy bay mà hãng đang có,” ông Hà chia sẻ.
Trong khi đó, ông Stanley K Ng, Tổng Giám đốc Philippine Airlines cho biết Philipinnes có tốc độ khôi phục thị trường hàng không thuộc top nhanh nhất sau đại dịch COVID-19 nhưng hãng lại gặp khó khăn về nhân lực phi công, tiếp viên trong khi vẫn phải đáp ứng nhu cầu chuyến bay do nhu cầu đi lại tăng.
Mặt khác, ông Stanley K cũng cho hay thách thức với khai thác bay hiện nay là đối tác cung cấp phụ tùng chưa thúc đẩy nguồn cung do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và không biết khi nào mới kết thúc khiến nhà đầu tư dè chừng mua sắm...
Đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề về chuỗi cung ứng, theo ông Lê Hồng Hà, các hãng hàng không cần dự báo nhu cầu chính xác để ngăn chặn tình trạng hết hàng hoặc tồn kho quá mức; triển khai các mô hình dự báo mạnh mẽ và sử dụng dữ liệu thời gian thực có thể giúp cải thiện độ chính xác. Bên cạnh đó, các hãng bay và nhà cung cấp dịch vụ có thể tăng cường liên lạc, phối hợp trong toàn bộ chuỗi cung ứng; thay vì giao máy bay mới, các nhà sản xuất nên hỗ trợ các hãng hàng không đảm bảo hoạt động của các máy bay hiện tại có đầy đủ động cơ và phụ tùng thay thế…
Sẵn sàng hy sinh lợi nhuận vì an toàn bay
“Vì lý do an toàn bay là tuyệt đối, giá trị cốt lõi nên Philippine Airlines không tăng chuyến một cách bừa bãi vượt qua khả năng phục vụ, bởi điều này sẽ càng gây ra sự thất vọng từ khách hàng. Chúng tôi không hy sinh an toàn mà sẵn sàng hy sinh lợi nhuận vì an toàn.” ông Stanley K Ng Tổng Giám đốc Philippine Airlines đã khẳng định như vậy khi đề cập đến công tác khai thác bay phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Ông Stanley K Ng cũng khuyến nghị các hãng bay cần chuẩn bị nhiều kịch bản, phương án, nhất là trong những tình huống bất lợi. Hãng hàng không cũng phải đa dạng hóa nguồn thu, kiểm soát chặt chẽ chi phí để dự phòng nguồn lực cho thời điểm khó khăn.
Cam kết dù có khó khăn sức ép nhưng trong ngành hàng không luôn đảm bảo an toàn và không có sự đánh đổi khai thác với an toàn, ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết Hiệp hội có các dữ liệu xem xét, theo dõi về hành vi an toàn và đảm bảo hoạt động và có thể chia sẻ dữ liệu một cách thoải mái cũng như bảo mật thông tin.
IATA thường xuyên đưa tài liệu hướng dẫn xây dựng kịch bản, phương án khai thác chuyến bay hiệu quả, phương án chuẩn bị khẩn nguy khẩn cấp, trong đó tạo văn hóa an toàn là rất quan trọng vì nhiều người vẫn chưa lưu tâm đến an toàn bay. Mặt khác, dữ liệu an toàn cần hợp tác, chia sẻ nhiều hơn để giúp nâng tầm hàng không lên tầm cao mới.
Đề cập đến yếu tố cân bằng giữa con người và công nghệ trong đảm bảo khai thác, an toàn bay, ông Willie Walsh chia sẻ: “Công nghệ mang lại cơ hội cho con người, tự động hóa hỗ trợ an toàn tăng lên. Ngành hàng không đã chứng minh việc áp dụng công nghệ đảm bảo sự tương tác giữa con người và công nghệ.”
Tuy nhiên, theo ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, điều quan trọng nhất chính là văn hóa an toàn có ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện an toàn. Vì vậy, Vietnam Airlines đã xây dựng một nền văn hóa an toàn đến từng đơn vị, đến từng cán bộ nhân viên ở mọi cấp bậc. Công tác an toàn không chỉ được đảm bảo bởi hệ thống giám sát nội bộ, hệ thống quản lý bên ngoài, mà còn từ mỗi nhân viên có kiến thức an toàn vững chắc, có tinh thần trách nhiệm và chủ động cao trên toàn hệ thống.
“Vietnam Airlines luôn cam kết an toàn là số 1. Đây là nền tảng cốt lõi và là định hướng trong mọi hoạt động của hãng. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng tôi cũng dành nguồn lực tốt nhất để đảm bảo thực thi chính sách an toàn và chất lượng cao nhất,” ông Hà khẳng định./.