Nhiều thách thức với báo chí toàn cầu

Diễn đàn truyền thông toàn cầu (GMF) do Truyền hình Đức DW tổ chức tại Bonn trong hai ngày 17 và 18-6 đã thảo luận về các mối đe dọa đối với nhà báo, hậu quả của những thông tin sai lệch và ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) với hoạt động báo chí toàn cầu.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại GMF 2024

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock phát biểu tại GMF 2024

Áp lực từ nhiều phía

Khoảng 1.500 chuyên gia truyền thông từ hơn 100 quốc gia dự GMF, tìm các giải pháp cho những câu hỏi cấp bách mà báo chí và truyền thông trên toàn thế giới đang phải đối mặt. Theo Giám đốc sự kiện của DW, ông Benjamin Pargan, những điểm chính của GMF bao gồm: sự an toàn của các chuyên gia truyền thông (về thể chất, tâm lý, pháp lý hoặc kinh tế ); vấn đề đưa tin công bằng các cuộc bầu cử (chẳng hạn các cuộc bầu cử ở Ấn Độ, Liên minh châu Âu và Mỹ đang biến năm 2024 thành năm “siêu bầu cử”); cách đối phó với các chiến dịch đưa thông tin sai lệch; sự phát triển nhanh chóng của AI đang ảnh hưởng như thế nào đến công việc hàng ngày của các nhà báo.

Các vấn đề như phát triển công nghệ, áp lực kinh tế và mối nguy hiểm thường trực mà các nhà báo phải đối mặt ở vùng chiến sự cũng là chủ đề nóng của GMF. Ông Hendrik Wüst, Thủ hiến bang North Rhine-Westphalia, bang chủ nhà của GMF, nhìn nhận bản thân nước Đức cũng không tránh khỏi những tin tức giả mạo và dối trá, kích động thù hằn, bạo lực.

Tại GMF, các diễn giả cũng cho biết bạn đọc đang cảm thấy choáng ngợp trước thông tin, đặc biệt là tin tức tiêu cực tràn ngập các phương tiện truyền thông.

Nhiều tấm gương tích cực

Nhưng cũng có nhiều ví dụ về hành động tích cực được các chuyên gia toàn cầu trình bày tại GMF. Ví dụ, nhà báo Maria Ressa, đến từ Philippines đã đấu tranh chống lại thông tin sai lệch thông qua Rappler, tổ chức tin tức trực tuyến của bà. Bà Ressa đã nhận được Giải Nobel Hòa bình năm 2021 cho những thành tích của mình. Một ví dụ khác là nhà báo Moky Makura, người Nigeria. Thông qua tổ chức của mình mang tên Africa No Filter, nữ nhà báo đã bác bỏ những thông tin sai lệch về châu Phi, đồng thời nêu bật những thành tựu và cơ hội của lục địa này. Hay như nhà báo Nada Bashir của CNN, đã tạo dựng được tên tuổi của mình thông qua các bài báo sống động về các cuộc xung đột ở Dải Gaza và Ukraine.

Cũng tại GMF, các diễn giả như Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói về sức mạnh của nền dân chủ; cựu thẩm phán Tòa án Hiến pháp Nam Phi Albie Sachs nêu vấn đề tìm kiếm thỏa hiệp trong thời đại phân cực.

Đặc biệt, AI đang trở thành một chủ đề ngày càng quan trọng, nhất là trong lĩnh vực truyền thông. Nó mở ra những khả năng mới to lớn cho truyền thông - ví dụ như khả năng nghiên cứu, nhưng cũng gây ra những rủi ro rất lớn cho việc khai thác thông tin. Theo ông Benjamin Pargan, sự phát triển này là không thể đảo ngược và các tổ chức truyền thông nên giúp định hình để AI trợ giúp báo chí phát triển, thay vì chống lại AI. Quan trọng là nên đánh giá và phân loại chính xác các cơ hội và rủi ro từ AI. Các đại biểu tại GMF thống nhất cách hạn chế AI gây thông tin sai lệch và làm suy yếu niềm tin trong xã hội. Bên cạnh đó, GMF cũng muốn nêu bật cách mọi người có thể thu lợi từ những tiện ích của AI nhằm hướng đến một thế giới tự do ngôn luận cũng như quyền truy cập thông tin miễn phí cho tất cả mọi người.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-thach-thuc-voi-bao-chi-toan-cau-post745228.html