Nhiều thành công trong hợp tác Việt Nam - UNESCO

Năm 2024 ghi dấu nhiều thành công trong hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Trong thời gian tới, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, tranh thủ nguồn lực cho sự phát triển đất nước, qua đó nâng cao vị thế, vai trò và đóng góp của Việt Nam vào nền văn minh nhân loại.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, phương hướng năm 2025 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, tổ chức ngày 21/01.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: BNG

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: BNG

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Vũ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho biết, thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi mang tính thời đại với những biến động không ngừng. Trong bối cảnh đó, vai trò của UNESCO trở nên đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng hòa bình, thúc đẩy hiểu biết, lòng tin và hợp tác để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Về kết quả hoạt động của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao nhấn mạnh trong thời gian qua mối quan hệ giữa Việt Nam với UNESCO tiếp tục được củng cố, với 4 chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao UNESCO sang Việt Nam, đặc biệt chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Trụ sở UNESCO vào tháng 10/2024 đã đưa mối quan hệ trở thành hình mẫu về hợp tác sâu rộng, thực chất và hiệu quả, tranh thủ tri thức, nguồn lực của UNESCO cho phát triển bền vững đất nước.

Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam cùng lúc đảm nhiệm cương vị tại 06 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO, thể hiện sự tin cậy của bạn bè quốc tế, uy tín, vị thế của đất nước và đóng góp tích cực, trách nhiệm của Việt Nam cho công việc chung của Tổ chức.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao cũng đánh giá năm 2024 là một năm thành công của Việt Nam với việc ghi danh thêm 06 danh hiệu UNESCO - mức cao kỷ lục trong một năm, đưa số lượng danh hiệu của Việt Nam lên 71 danh hiệu, đứng đầu các nước Đông Nam Á.

“Với việc có thêm nhiều di sản của Việt Nam được ghi danh không chỉ thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc, tư tưởng, nhân sinh quan của người Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực thực hiện sứ mệnh chung của UNESCO, mà còn tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương và đất nước” - Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tích cực thảo luận về các khó khăn, thách thức, đề xuất giải pháp cũng như định hướng sắp tới để nâng cao hiệu quả hợp tác với UNESCO, phục vụ phát triển bền vững đất nước.

Theo đó, các ý kiến tập trung đề xuất cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm tại các cơ chế điều hành mà Việt Nam là thành viên như: Đại hội đồng UNESCO, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban liên Chính phủ Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, Ủy ban liên Chính phủ Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, Ủy ban Di sản Thế giới và Hội đồng tư vấn về công viên địa chất toàn cầu. Đồng thời, tăng cường huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các lĩnh vực của UNESCO; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong công tác UNESCO...

Hội nghị cũng xác định các định hướng trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy xây dựng và vận động cho các hồ sơ bảo tồn, hồ sơ đề cử di sản/danh hiệu mới, từ đó góp phần tạo nguồn lực cho sự phát triển của các địa phương, đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam…/.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/nhieu-thanh-cong-trong-hop-tac-viet-nam-unesco-37870.html