Chính phủ giao Bộ trưởng Nội vụ trình Quốc hội dự án Luật Tổ chức Chính phủ
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án, Chính phủ giao Bộ trưởng Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng, ký tờ trình về dự án luật, trình Quốc hội theo tiến độ đề ra.
Thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành Nghị quyết về việc thông qua dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Trên cơ sở đó, Nghị quyết của Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo luật do Bộ Nội vụ trình. Bộ Nội vụ được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội; chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự án, Chính phủ giao Bộ trưởng Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký tờ trình về dự án luật, trình Quốc hội theo tiến độ đề ra.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa được ban hành, nêu rõ, dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 2/2025) theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan được giao thẩm tra dự án luật này.
Phân cấp, phân quyền gắn với bảo đảm nguồn lực
Theo Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2025, Chính phủ yêu cầu việc xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cần tập trung giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả, rõ ràng, cụ thể mối quan hệ giữa các cơ quan của Chính với các cơ quan ở Trung ương và với chính quyền địa phương.
Đồng thời, cần rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm bao quát, toàn diện, chặt chẽ, thể hiện đúng vị trí, chức năng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Hiến pháp.
Chính phủ cũng nhấn mạnh, việc phân cấp, phân quyền phải gắn với bảo đảm nguồn lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Trong đó, Chính phủ lưu ý xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn không phân cấp và những nhiệm vụ, quyền hạn cần đẩy mạnh phân cấp hoặc ủy quyền; đồng thời, quy định mang tính nguyên tắc về phân cấp, phân quyền, ủy quyền làm cơ sở pháp lý để Chính phủ quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Cần rà soát các luật chuyên ngành
Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) do Bộ Nội vụ soạn thảo đã đưa nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng theo các nhóm: Nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các nội dung trình Chủ tịch nước; thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành...
Bộ Nội vụ cho rằng, cần rà soát các luật chuyên ngành để chuyển các thẩm quyền quyết định cụ thể của Thủ tướng đối với các nội dung quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực sang cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương.
Trong trường hợp chưa sửa đổi được các luật chuyên ngành, Thủ tướng sẽ quyết định phân cấp theo thẩm quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc chính quyền địa phương theo yêu cầu đẩy mạnh phân cấp trong tình hình mới.
Lần sửa đổi này cũng bổ sung và quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách thành viên Chính phủ có trách nhiệm giải trình, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội; thay mặt Chính phủ hoặc ủy quyền cho thành viên Chính phủ ký các văn bản của Chính phủ.
Nghị quyết phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật nêu rõ: Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành các Nghị quyết về thành lập một số bộ trên cơ sở tổ chức lại một số bộ của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và cơ cấu thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết theo hướng: Xác định tên gọi các bộ, cơ quan phù hợp với quyết định của cấp có thẩm quyền; cơ cấu thành viên Chính phủ, chỉ quy định mang tính nguyên tắc về Phó Thủ tướng Chính phủ, số lượng cụ thể các Phó Thủ tướng Chính phủ được xác định căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng giai đoạn.