Nhiều thành tựu công tác tư pháp năm 2023

(ABO) Chiều 25-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đến dự và chỉ đạo hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Diệu; đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh chụp từ màn hình tại điểm cầu Tiền Giang.

Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2023 mặc dù tình hình kinh tế - xã hội nói chung bị tác động bởi nhiều yếu tố dẫn đến việc triển khai công tác tư pháp nói riêng có phần bị ảnh hưởng, nhưng toàn ngành Tư pháp đã kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng các nhiệm vụ được giao.

Kết quả công tác năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của Bộ, ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được thực hiện kịp thời với khối lượng công việc lớn, góp phần đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật. Việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được đánh giá cao. Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật, hòa giải ở cơ sở được tổ chức thực hiện hiệu quả. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử được xây dựng, vận hành hiệu quả, duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh chụp từ màn hình tại điểm cầu Tiền Giang.

Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 16 dự án luật, 5 nghị quyết; đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 500 VBQPPL. Các địa phương đã ban hành gần 3.800 VBQPPL cấp tỉnh, hơn 2.600 VBQPPL cấp huyện và hơn 1.700 VBQPPL cấp xã.

Về công tác thi hành án dân sự (THADS), kết quả THADS năm 2023 đạt cao nhất từ trước đến nay, với hơn 575.000 việc, thu trên 89.000 tỷ đồng, trong đó có trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tăng gần 4.500 tỷ đồng so với năm 2022.

Đại biểu dự tại điểm cầu Tiền Giang.

Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) có nhiều kết quả ấn tượng, nhất là việc thiết lập cơ chế trực TGPL trong điều tra hình sự trên toàn quốc, số vụ việc TGPL tố tụng cao nhất từ trước đến nay. Công tác pháp luật quốc tế, hợp tác quốc tế có nhiều dấn ấn quan trọng. Công tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cán bộ làm công tác pháp luật, tư pháp tiếp tục được quan tâm, chú trọng. Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý tiếp tục có nhiều đóng góp thiết thực phục vụ trực tiếp cho công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp… Những kết quả đạt được đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.

Tại điểm cầu Tiền Giang.

Để công tác tư pháp đạt hiệu quả cao, trong năm 2024, toàn ngành Tư pháp sẽ tập trung 9 nhiệm vụ trọng tâm. Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều ý kiến, nhất là các đề xuất, kiến nghị trong xây dựng, thực thi pháp luật và công tác phối hợp giữa các bộ, ngành nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác tư pháp trong thời gian tới.

Các địa phương phát biểu tại hội nghị. Ảnh chụp từ màn hình tại điểm cầu Tiền Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành Tư pháp, kết quả của các bộ, ngành, cơ quan tư pháp địa phương trong năm 2023, cũng như chia sẻ những khó khăn, áp lực của ngành Tư pháp. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, tình hình năm 2024 dự báo có những thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, Bộ, ngành Tư pháp cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện thể chế; tiếp tục nâng cao công tác thi hành pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, làm sao thật sự dễ hiểu; chú trọng đầu tư cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính và chiều đổi số trong ngành Tư pháp…

P. MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202312/nhieu-thanh-tuu-cong-tac-tu-phap-nam-2023-999374/