Nhiều thay đổi của giáo dục Việt Nam mang dấu ấn từ tư tưởng của cố GS Trần Hồng Quân
Nhiều đổi thay tích cực của nền giáo dục Việt Nam đều mang dấu ấn từ tư tưởng của cố GS Trần Hồng Quân, đến nay vẫn tiếp tục phát triển.
.t1 { text-align: justify; }
Trước thông tin Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư Trần Hồng Quân, là cộng sự, trực tiếp làm việc với cố Giáo sư Trần Hồng Quân hơn 30 năm (tính cả thời gian sau khi nghỉ hưu), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) có rất nhiều chia sẻ.
Những đổi thay tích cực của giáo dục Việt Nam đến nay vẫn đều mang dấu ấn từ tư tưởng của cố Giáo sư Trần Hồng Quân
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết, sau khi cố Giáo sư Trần Hồng Quân qua đời, cuối tháng 12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và gia đình cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu sách “GS.Trần Hồng Quân với sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam”.

Cuốn sách “GS. Trần Hồng Quân với sự nghiệp Giáo dục đào tạo Việt Nam”
Tại buổi ra mắt sách, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam Lê Viết Khuyến đặt vấn đề về việc đề xuất danh hiệu anh hùng thời kỳ đổi mới trong lĩnh vực giáo dục đối với cố Giáo sư Trần Hồng Quân để tôn vinh các thế hệ đi trước, cũng như khuyến khích thế hệ trẻ sau này tiếp tục noi gương. Trước đề nghị của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến về đề xuất tôn vinh cố Giáo sư Trần Hồng Quân có đóng góp to lớn cho ngành giáo dục, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng tán thành và đánh giá cao đề xuất này.
Ngay sau đó, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có công văn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét. Đến ngày 24/6, thông tin trên đã được đề cập tại cuộc họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) quý II năm 2025.
"Trước thông tin Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư Trần Hồng Quân không những tôi, mà rất nhiều cộng sự, rất nhiều thế hệ thầy cô công tác trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đều rất vui mừng. Bởi vì, trước hết, đây cũng sẽ là một niềm vinh dự cho toàn ngành giáo dục. Và đặc biệt, đó là danh hiệu thực sự xứng đáng đối với những đóng góp của cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân.
Khi cố Giáo sư Trần Hồng Quân là Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (sau này là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông đã đề xuất rất nhiều chủ trương để “vực dậy” nền giáo dục đại học đang vượt qua thời kỳ “khủng hoảng” và chính nhờ đó, giáo dục đại học đã có nhiều đổi mới và phát triển như hiện nay”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). Ảnh: Mộc Trà.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cũng nhớ lại một số quan điểm nổi bật của cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân khi trong vai trò là “tư lệnh” ngành, đã hết lòng tận tụy, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo để cống hiến cho sự nghiệp đổi mới giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng.
Cụ thể, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo điểm lại: Những năm tháng đầu chuyển đổi từ sự phát triển kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và phải từng bước hiểu rõ và quen dần với những cụm từ mới, lạ lẫm: “đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế”; nền kinh tế 5 thành phần, trong đó “có thành phần kinh tế tư nhân”; chủ trương “xã hội hóa giáo dục” cần được thực hiện, “hội nhập quốc tế”, “đa dạng hóa” các mối quan hệ với các nước trong khu vực và quốc tế,...
Giáo sư Trần Hồng Quân khi ấy kể: “Có rất nhiều đêm tôi đau đáu, trằn trọc, khó ngủ. Đây là cơ hội để nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học nói riêng, muốn phát triển bắt buộc phải tiến hành đổi mới. Nhưng vấn đề là phải bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể nào, nguồn lực ở đâu, bắt đầu từ khâu nào,... Cần phải có kế hoạch, và kế hoạch phải được xây dựng trên cơ sở thảo luận của những người có tâm huyết, hiểu biết và nhất trí cùng nhau thực hiện. Tương lai của đất nước không cho chúng ta được phép khoanh tay đứng nhìn, cầm lòng để giáo dục Việt Nam cứ mãi là nhỏ lẻ, trì trệ, lạc hậu, thua kém các nước trong khu vực, quốc tế”.
Giáo dục Việt Nam đã đi qua mấy cuộc cải cách lớn (năm 1950, 1956 và 1979), các trường đại học, trung cấp, dạy nghề ở nước ta những năm 1980 còn rất ít, đều là trường công lập, hầu hết quy mô còn nhỏ, đào tạo đơn ngành. Các trường đều được ngân sách nhà nước bao cấp, đào tạo theo chỉ tiêu được giao hàng năm.
Song, đến giai đoạn đó, nếu vẫn chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước, thì làm sao có thể tăng quy mô, mở rộng cơ sở, mua sắm thêm trang thiết bị tốt; làm sao có thể giải tỏa được áp lực của nhu cầu học tập của con em nhân dân ngày càng tăng lên, làm sao có thể cải thiện được chất lượng đào tạo trong khi trang thiết bị giảng dạy, học tập còn nhiều thiếu thốn?
Để có chủ trương giải quyết các vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã tổ chức các hội nghị về giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng để “xây dựng và kiểm điểm thực hiện chương trình hành động đổi mới giáo dục đại học và chuyên nghiệp”.
Sau này, mỗi khi nhắc đến những ngày đầu đi vào đổi mới giáo dục đại học, người ta lại nhắc đến 4 tiền đề, 3 chương trình mục tiêu do Bộ trưởng Trần Hồng Quân đề xuất.
Cụ thể, 4 tiền đề đó là:
Thứ nhất, giáo dục và đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu của biên chế nhà nước và kinh tế quốc doanh, mà còn phải đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế khác và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Thứ hai, giáo dục và đào tạo không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước mà còn dựa vào các nguồn lực, đầu tư kinh phí khác có thể huy động được. Nguồn lực ngoài ngân sách có thể là sự đóng góp của các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức kinh tế xã hội, sự đóng góp của người học (học phí), nguồn lực do các trường tự làm ra từ nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, hoạt động dịch vụ và nguồn lực do hợp tác quốc tế mang lại.
Thứ ba, giáo dục và đào tạo không chỉ theo kế hoạch tập trung như một bộ phận kế hoạch kinh tế - xã hội của Nhà nước mà còn phải làm kế hoạch theo đơn đặt hàng, những xu thế dự báo, những yêu cầu học tập từ nhiều phía trong xã hội.
Thứ tư, giáo dục đào tạo không cần phải gắn chặt với việc phân phối, phân công cho người tốt nghiệp theo cơ chế hành chính bao cấp. Người tốt nghiệp có trách nhiệm tự lo việc làm của mình, tự tạo ra việc làm trong mọi thành phần kinh tế. Những nơi sử dụng lao động được đào tạo sẽ tuyển dụng theo cơ chế chọn lọc, nhà trường giúp người được đào tạo nâng cao trình độ, tiếp tục bồi dưỡng thích ứng với những yêu cầu cơ động về ngành nghề trong thực tiễn.
Còn về 3 chương trình hành động thể hiện chủ trương đổi mới giáo dục đại học và chuyên nghiệp, coi như những giải pháp tình thế trong 3 năm 1987-1990. Đó là:
Một là, cải cách đào tạo, thực hiện những đổi mới bước đầu về cơ cấu hệ thống, mục tiêu, nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo, phù hợp với yêu cầu của kinh tế xã hội trước mắt và lâu dài giáo dục đại học và chuyên nghiệp.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học - lao động sản xuất, cải thiện điều kiện vật chất, kỹ thuật của đào tạo. Mở rộng sự liên kết giữa giáo dục - đào tạo với khoa học kỹ thuật và sản xuất kinh doanh. Phát huy tính tích cực của nhà trường, ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ vào thực tiễn nhà trường tạo ra vốn tự có từ nghiên cứu khoa học - lao động sản xuất, hợp tác quốc tế để cải thiện một phần đời sống giáo viên, học sinh và sinh viên.
Ba là, đổi mới tổ chức quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý; thực hiện dân chủ hóa nhà trường tìm ra động lực tiến bộ của từng người trong nhà trường.
Năm 1990, khi Bộ Giáo dục và Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề nhập lại thành Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã đề xuất thêm 5 chương trình mục tiêu phục vụ chủ yếu cho đổi mới giáo dục phổ thông:
Chương trình mục tiêu đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông;
Chương trình mục tiêu hoàn thành cải cách giáo dục tiểu học và nạn xóa mù chữ;
Chương trình mục tiêu phát hiện, chăm lo, bồi dưỡng học sinh năng khiếu;
Chương trình mục tiêu xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú cho 53 dân tộc ít người;
Chương trình mục tiêu củng cố cơ sở vật chất hệ thống trường phổ thông từ mầm non đến trung học phổ thông.
“Nhờ có những tư tưởng giáo dục tiến bộ và nắm bắt được yêu cầu thời đại, cố Giáo sư Trần Hồng Quân đã thiết kế ra những mô hình giáo dục để hiện thực hóa các ý tưởng đó.
Có thể nói rằng, toàn bộ những đổi thay tích cực cũng như những chủ trương mà hệ thống giáo dục hiện nay vẫn đang tiến hành, triển khai đều có dấu ấn của cố Giáo sư Trần Hồng Quân. Đó là những đề xuất nhằm phát triển giáo dục Việt Nam” - Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.
Cố Giáo sư Trần Hồng Quân cũng đã đề nghị hệ thống giáo dục đại học Việt Nam về bản chất là tự chủ. Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lập luận: “Quá trình tự chủ giống như việc chúng ta cho đứa con ra ở riêng, ở riêng thì tự lập nhưng cũng có những khó khăn và thách thức. Đây là một chủ trương lớn đầy triển vọng, nếu triển khai thành công rộng rãi thì nền đại học sẽ có bộ mặt mới năng động, thay đổi từng ngày để đáp ứng phát triển đất nước”.
Cố Bộ trưởng có nhiều tư tưởng, quan điểm đổi mới trong quản trị giáo dục
Nhắc đến điều khiến bản thân ấn tượng nhất về cố Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ chia sẻ: “Đối với tôi, ấn tượng lớn nhất chính là việc Bộ trưởng rất tin tưởng, giao nhiệm vụ cho tôi - khi ấy là Thứ trưởng, thực hiện một số chương trình mục tiêu như: xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú; quy hoạch lại mạng lưới hệ thống các trường cao đẳng sư phạm; nâng cấp cơ sở vật chất; hay chương trình tiêu chuẩn hóa các trường phổ thông từ mầm non cho đến đại học, rồi chương trình xây dựng hệ thống ký túc xá cho các trường đại học, cao đẳng...
Đặc biệt, với chương trình xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, đặc biệt xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú dọc theo biên giới Việt - Lào và đào tạo học sinh Lào học tập và biết tiếng Việt - đó là cách để tăng tình hữu nghị lâu dài giữa Việt Nam và Lào”.
Còn về khó khăn lớn nhất đối với vị cố Bộ trưởng lúc đương nhiệm, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, đó là thời điểm thực hiện thí điểm trường đại học ngoài công lập đầu tiên.
Theo đó: “Khó khăn lúc bấy giờ là khó khăn về tư tưởng và quan điểm. Những quan điểm của cố Giáo sư Trần Hồng Quân ở thời điểm đó là những quan điểm rất đổi mới, vẫn còn phù hợp cho đến tận ngày nay, nhưng lại chưa tìm được sự ủng hộ 100% vào thời điểm đó. Chẳng hạn, khi vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục chỉ do Nhà nước lo; nên khi bàn đến chuyện tư nhân cũng mở trường đại học, có thể sẽ có ý kiến trái chiều.
Nhưng cố Giáo sư Trần Hồng Quân đã rất kiên trì với quan điểm, chủ trương đã đề ra, chứng minh bằng những kết quả thực tiễn”.
“Sau này, đến năm 2004, khi vừa nghỉ hưu, cố Giáo sư Trần Hồng Quân vẫn không ngừng trăn trở, hết lòng muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Vì thế, anh Quân bàn bạc với tôi để thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam ngay vào tháng 9/2004.
Sau đó, cố Giáo sư Trần Hồng Quân nhận thấy không thể tách bạch, phân biệt giữa công lập hay ngoài công lập, mà phải vì mục tiêu chung là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để phục vụ cho xã hội. Cho nên, năm 2014, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ra đời trên cơ sở cơ cấu lại Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam.
Từ đó đến nay, Hiệp hội đã đóng góp rất nhiều ý kiến cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các công văn gửi lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đề xuất những vấn đề về đổi mới giáo dục” - thầy Nhĩ cho biết thêm.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ, cố Bộ trưởng Trần Hồng Quân là người đối với đồng nghiệp, luôn luôn tôn trọng và tìm hiểu một cách chu đáo, một khi đã tin tưởng, sẽ mạnh dạn giao công việc để người đó có thể phát huy sáng kiến, làm thế nào hoàn thành công việc tốt nhất và đem lại nhiều lợi ích nhất cho xã hội.
Với Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, cố Giáo sư Trần Hồng Quân vẫn luôn là một người nồng hậu, chân thành, ấm áp mà giản dị.
“Anh Quân là một Bộ trưởng rất đặc biệt đối với nhiều người, trong đó có cả tôi!” - Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ bày tỏ.