Nhiều thay đổi trong Bộ luật Tố tụng hình sự
Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2025 có nhiều quy định mới quan trọng liên quan đến việc tổ chức tinh gọn bộ máy; điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo...
Mới đây, TAND Tối cao đã ban hành Công văn quán triệt thực hiện các quy định mới của luật, nghị quyết, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Trong đó nêu một số quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025).
Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) đã điều chỉnh một số nhiệm vụ, thẩm quyền để phù hợp với mô hình tổ chức của các cơ quan tiến hành tố tụng sau sắp xếp tổ chức bộ máy, bổ sung một số trình tự thủ tục liên quan đến các vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Quang cảnh một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: TRẦN LINH
Tổ chức, thẩm quyền của Cơ quan điều tra, VKSND
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy Cơ quan điều tra từ mô hình 3 cấp (cấp bộ, cấp tỉnh và cấp huyện) chuyển thành 2 cấp (cấp bộ và cấp tỉnh);
Bổ sung quy định Điều tra viên trung cấp, Điều tra viên cao cấp là Trưởng Công an cấp xã hoặc Phó trưởng Công an cấp xã được phân công tiến hành hoạt động khởi tố, điều tra vụ án về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã có một số nhiệm vụ, quyền hạn như Thủ trưởng Cơ quan điều tra, trừ các quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.
Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy VKSND từ mô hình 4 cấp (tối cao, cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện) thành 3 cấp (tối cao, cấp tỉnh và khu vực). Điều chỉnh nhiệm vụ, thẩm quyền của VKS các cấp để phù hợp với mô hình của Cơ quan điều tra và Tòa án.
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) cũng sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự như sau:
TAND khu vực xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định đến 20 năm tù.
TAND cấp tỉnh xét xử sơ thẩm: Vụ án hình sự về các tội phạm không thuộc thẩm quyền của TAND khu vực; vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của TAND khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; vụ án mà khi xử lý có ảnh hưởng đến chính trị, đối ngoại; vụ án mà người phạm tội là cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp tỉnh trở lên, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc thiểu số.
Đồng thời, thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được giữ nguyên.
Điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo
Luật mới đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt theo hướng CQĐT có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố bị can, VKS có thể quyết định truy tố bị can, tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can, bị cáo theo quy định.
Điều này được thực hiện trong các trường hợp sau: Bị can, bị cáo bỏ trốn, không biết bị can, bị cáo ở đâu và việc truy nã không có kết quả; bị can, bị cáo đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Ngày 1-7-2025, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao, TAND Tối cao cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2025 quy định về phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt bị can, bị cáo.
Quy định mới này đã khắc phục được những bất cập trước đây khi chỉ có quy định về việc xét xử vắng mặt bị cáo.
Thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành
Điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được sửa đổi theo hướng: Trường hợp Chủ tịch nước không quyết định ân giảm thì hết thời hạn 1 năm kể từ ngày nhận được ý kiến của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao thì cơ quan có thẩm quyền thông báo ngay về việc này. Đồng thời, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm tổ chức việc thi hành bản án tử hình theo quy định.
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2025) cũng điều chỉnh thẩm quyền từ TAND cấp tỉnh về TAND khu vực đối với việc xét xử sơ thẩm vụ án có yếu tố nước ngoài (khoản 2 Điều 268); thẩm quyền theo lãnh thổ đối với vụ án mà bị cáo phạm tội ở nước ngoài (khoản 2 Điều 269); tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh (Điều 452); xem xét yêu cầu thi hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án nước ngoài đối với công dân Việt Nam bị từ chối dẫn độ (Điều 501)...
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nhieu-thay-doi-trong-bo-luat-to-tung-hinh-su-post859785.html