Nhiều thí sinh 'đau đầu' vì đề thi GDCD tuy dễ nhưng vẫn rối như tơ vò
Nhiều thí sinh tỏ ra bối rối và căng não khi phải phân tích thật kỹ các câu hỏi tình huống, trong môn thi Giáo dục công dân thuộc khối KHXH.
Sáng ngày 28/6, các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 bước vào ngày thi thứ hai với tổ hợp thi KHTN và KHXH.
Ở tổ hợp KHXH, nhiều thí sinh bày tỏ niềm hạnh phúc vì đề thi khá dễ thở, tuy nhiên ở môn thi GDCD lại khiến các em "căng não".
Em Ngọc Mai (học sinh lớp 12A6, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Em thi khối xã hội, bài thi Sử Địa đối với em khá ổn, học kỹ bài sẽ làm được hết. Tuy nhiên ở bài thi GDCD, em khá nhức đầu vỉ các câu hỏi xử lý tình huống gần cuối. Một số câu em phải khoanh bừa vì không đủ thời gian để suy nghĩ".
Đồng ý kiến với Ngọc Mai, em Bội Linh (học sinh lớp 12A7, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh) cũng tỏ ra bối rối trước những câu hỏi cuối của đề thi GDCD.
"Đề không quá khó cũng không quá dễ, đọc kỹ càng một chút sẽ làm được hết. Nhưng mấy câu phân chia tài sản, phân tích này nọ khiến em rất đau đầu vì rối như tơ vò".
Nhiều thí sinh nhận định, đề thi môn giáo dục công dân năm nay có cấu trúc giống với đề minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó. Cụ thể là 90% kiến thức nằm trong chương trình lớp 12, còn 10% là kiến thức của chương trình lớp 11. Học sinh nếu học bài sẽ được 8 điểm trở lên.
Ngoài ra, đề thi cũng có một số câu tình huống pháp luật yêu cầu thí sinh phải đọc kỹ, xác định đúng yêu cầu của đề để tránh bị nhầm lẫn đáng tiếc. Những câu khó của đề thường rơi vào bài 2, 4, 6, 7 của lớp 12. Còn kiến thức lớp 11 chủ yếu là nhận biết và thông hiểu.
Bên cạnh đó, đề thi năm nay có một số câu hỏi mang tính nhận định đúng, sai. Đây là điểm hơi khác với đề thi mấy năm trước. Dự báo điểm thi môn giáo dục công dân năm nay sẽ không có nhiều biến động, phổ điểm sẽ tương đương như năm trước.
Chiều cùng ngày, các thí sinh sẽ bước vào môn thi cuối cùng là Ngoại ngữ.