Nhiều thủ đoạn lừa đảo nhắm vào phụ huynh, học sinh, Hà Nội lên tiếng cảnh báo

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các trường cung cấp đầy đủ thông tin cho phụ huynh, học sinh để tránh bị sập bẫy thủ đoạn lừa đảo qua các hoạt động đóng học phí...

Chị Mai, sinh viên năm cuối của một trường đại học tại Hà Nội cho biết: Đầu năm học, nhà trường đã gửi email thông báo nộp học phí qua cổng thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, vào ngày cuối hạn nộp tiền, chị nhận được một tin nhắn qua Facebook từ một người bạn cũ, nội dung: "Bạn ơi, mình gửi giúp bạn link nộp học phí nhanh đi, hệ thống đang gặp lỗi rồi".

"Không chút nghi ngờ "người bạn cũ", tôi click vào đường link trong tin nhắn. Trang web mở ra giống hệt trang thanh toán của trường, có logo và giao diện gần như thật. Tôi đã nhập đầy đủ thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, rồi xác nhận số tiền 10 triệu đồng để nộp học phí".

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tăng cường phối hợp và cung cấp đầy đủ cho phụ huynh, học sinh để tránh bị sập bẫy lừa đảo.

Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường tăng cường phối hợp và cung cấp đầy đủ cho phụ huynh, học sinh để tránh bị sập bẫy lừa đảo.

Anh Tuấn, phụ huynh của em Trần Hải Anh ở quận Đống Đa chia sẻ: "Một người phụ nữ tự xưng là nhân viên của trung tâm giáo dục tư nhân nơi con tôi học nói hiện trung tâm có chương trình ưu đãi học tiếng Anh và yêu cầu tôi nộp tiền sớm để được hưởng ưu đãi. Người này còn cung cấp tài khoản ngân hàng giả để tôi chuyển tiền. Tin vào lời nói hợp lý, tôi đã chuyển 5 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó tôi không nhận được bất kỳ thông tin xác nhận của trung tâm, nên bắt đầu nghi ngờ đây là lừa đảo."

Trước đó, tại trường THPT Hiệp Bình (TP Thủ Đức, TP.HCM), một phụ huynh đã bị lừa mất tiền sau khi nhận được tin nhắn từ người lạ thông báo hồ sơ thi chưa chính xác và yêu cầu cập nhật thông tin qua một đường link. Khi phụ huynh làm theo hướng dẫn, tài khoản ngân hàng của họ đã bị trừ tiền mà không hay biết.

Đại diện trường THPT Hiệp Bình xác nhận đã ghi nhận nhiều trường hợp tương tự và cảnh báo rằng đây là một hình thức lừa đảo đang gia tăng trong mùa thi.

Trên đây là 3 trong số nhiều vụ lừa đảo nhắm vào phụ huynh, học sinh thời gian qua. Công an TP Hà Nội cho biết, nhận được thông tin nhiều nạn nhân đã "sập bẫy" thủ đoạn lừa đảo này.

Theo đó, lợi dụng chính sách miễn học phí cho học sinh học chính khóa, học thêm, các đối tượng đã gọi điện hoặc nhắn tin giả mạo nhân viên nhà trường, phòng giáo dục hoặc ngân hàng để thông báo về việc hoàn trả học phí đã đóng trước đó nhằm chiếm đoạt tài sản. Sau khi dụ dỗ nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các thao tác theo hướng dẫn, kẻ gian sẽ đánh cắp tài khoản ngân hàng, gây thiệt hại về tài chính.

Trước thực trạng này, cơ quan công an Hà Nội khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, số căn cước công dân, hình ảnh hoặc video khuôn mặt cho bất kỳ ai qua mạng xã hội hoặc điện thoại. Không quét QR Code, không truy cập các đường link lạ, không tải các ứng dụng không rõ nguồn gốc theo hướng dẫn của người lạ.

Ngoài ra, khi nhận được thông báo liên quan đến học phí, phụ huynh cần liên hệ trực tiếp với nhà trường hoặc cơ quan giáo dục để xác minh thông tin. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, các phụ huynh cần nâng cao cảnh giác, giữ gìn thông tin cá nhân và chia sẻ kiến thức về các phương thức lừa đảo mới nhằm bảo vệ chính mình và gia đình khỏi các hành vi phạm pháp.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Đẩy mạnh nhận diện, phòng chống lừa đảo qua mạng

Lừa đảo "con đang cấp cứu" lan ra Hà Nội, nhiều trường gửi cảnh báo

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị, trường học cần tăng cường phối hợp và cung cấp đầy đủ thông tin cho phụ huynh về các thủ đoạn lừa đảo. Đồng thời, cảnh báo không nghe theo hoặc làm theo hướng dẫn của người lạ. "Ngành giáo dục cũng như các trường không gửi thông báo về việc hoàn tiền học phí qua tin nhắn hoặc email. Tất cả thông tin liên quan đến học sinh đều do giáo viên chủ nhiệm trực tiếp truyền đạt qua các kênh chính thức như sổ liên lạc điện tử hoặc các cuộc gọi rõ danh tính để đảm bảo chính xác và an toàn", Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh.

Chia sẻ với phóng viên Báo Xây dựng, cô Phạm Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B cho biết: Thời gian qua, trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh và học sinh cách nhận biết các chiêu thức lừa đảo qua điện thoại, cung cấp các thông tin cảnh báo từ các cơ quan chức năng, đồng thời khuyến khích phụ huynh thường xuyên trò chuyện, theo dõi hoạt động của con em mình.

Ngoài ra, trường đã xây dựng quy trình minh bạch trong thông tin, quy định rõ: Mọi thông tin liên quan đến tình hình học tập, sức khỏe hoặc các tình huống khẩn cấp của học sinh đều được thông báo trực tiếp qua giáo viên chủ nhiệm hoặc Ban giám hiệu, bằng các kênh chính thức như sổ liên lạc điện tử hoặc các cuộc gọi rõ danh tính.

"Nhà trường cũng khẳng định không yêu cầu phụ huynh chuyển khoản trong các tình huống khẩn cấp mà không có xác nhận chính thức từ đơn vị. Việc thu phí qua các phương thức không dùng tiền mặt cũng giúp đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong các khoản thu của nhà trường," cô Thảo chia sẻ.

Phượng Nguyễn

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/nhieu-thu-doan-lua-dao-nham-vao-phu-huynh-hoc-sinh-ha-noi-len-tieng-canh-bao-192250515151458526.htm