Nhiều thủ tục hành chính 'kiểu mới' cần làm quen khi bước sang năm 2023

Sang năm 2023 dự kiến sẽ có rất nhiều thay đổi trong việc làm thủ tục hành chính của người dân.

Thực hiện thủ tục hành chính online

Nhằm thực hiện chuyển đổi số trong quản lý hành chính Nhà nước, hiện nay đã có rất nhiều thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia và các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh. Tính đến tháng 12/2022, có tổng cộng 4.413 thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bao gồm 2.513 cho cá nhân và 2.312 thủ tục cho doanh nghiệp.

Sử dụng Căn cước công dân thay Sổ hộ khẩu

Từ 1/1/2023, Sổ hộ khẩu giấy chính thức bị “khai tử” do hết giá trị sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 104 hướng dẫn về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, số tạm trú giấy. Nghị định này nêu rõ 04 loại giấy tờ có giá trị chứng minh cư trú thay Sổ hộ khẩu là:

- Thẻ Căn cước công dân

- Chứng minh nhân dân

- Giấy xác nhận thông tin về cư trú

- Giấy thông báo số định danh cá nhân thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

(Ảnh minh họa từ Internet)

(Ảnh minh họa từ Internet)

Hiện nay, Căn cước công dân gắn chip đang là giấy tờ phổ biến nhất đối với công dân Việt Nam, với hơn 76,5 triệu thẻ đã được cấp cho người dân cả nước.

Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân. Trên mặt thẻ này thể hiện các thông tin cơ bản về: Ảnh chân dung; Số định danh cá nhân; Họ tên khai sinh; Giới tính; Ngày, tháng, năm sinh; Quốc tịch; Quê quán; Nơi thường trú; Đặc điểm nhân dạng; Vân tay…

Ngoài ra, con chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip còn cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đặc biệt như: Ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần, khóa bảo mật công khai… dùng để sử dụng và kết nối cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Các thủ tục trước đây yêu cầu nộp, xuất trình Sổ hộ khẩu nay đã được thay bằng Căn cước công dân có thể kể đến như:

- Thủ tục cấp, cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế;

- Thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất;

- Thủ tục đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch;

- Thủ tục miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh, sinh viên…

Sử dụng giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn bản điện tử

Tại Thông tư số 01/2022/TT-BTP Bộ Tư pháp đã ban hành bản điện tử của Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

(Ảnh minh họa từ Internet)

(Ảnh minh họa từ Internet)

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 87/2020/NĐ-CP, người dân đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn trực tuyến sẽ được nhận bản điện tử có mã QR của các giấy tờ hộ tịch này.

Các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn nhận bản điện tử có mã QR được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Dùng VNeID để dùng thay GPLX, thẻ BHYT, trình báo tội phạm

Có thể coi việc sử dụng tài khoản định danh điện tử là một trong những cách làm thủ tục hành chính kiểu mới. Ứng dụng này mới được đưa vào sử dụng đầu năm 2022, tuy chưa được nhiều người biết tới nhưng đã được Chính phủ định hướng phổ cập rộng rãi trong tương lai.

VNeID là ứng dụng trên điện thoại di động do Bộ Công an tạo lập để phục vụ hoạt động định danh, xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục, dịch vụ hành chính công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử.

Người dân sử dụng VNeID thông qua tài khoản định danh điện tử gắn với số định danh cá nhân (chính là số Căn cước công dân).

Luật Việt Nam

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/nhieu-thu-tuc-hanh-chinh-kieu-moi-can-lam-quen-khi-buoc-sang-nam-2023-post1498804.tpo