Nhiều tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển giao thông xanh

Tại Tọa đàm 'Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư' do Bộ GTVT tổ chức ngày 21-8, nhiều tổ chức quốc tế đã cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư" do Bộ GTVT tổ chức ngày 21-8 tại Hà Nội

Tọa đàm "Phát triển giao thông xanh: Thách thức và giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư" do Bộ GTVT tổ chức ngày 21-8 tại Hà Nội

Ông Thomas Wiersing, Đại biện lâm thời - Phó trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho biết, mục tiêu của EU là giảm 60% phát thải từ ngành giao thông vào năm 2050, được thực hiện qua nhiều phương thức, như: áp dụng chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn, sử dụng nhiên liệu thay thế như điện, hydro, đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng sạch để giảm phương tiện cá nhân…

Tại Việt Nam, EU cam kết hỗ trợ giảm phát thải ngành giao thông, hỗ trợ phát triển giao thông công cộng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết với các đối tác phù hợp của Việt Nam.

Tương tự, ông Jin Saeun, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Hợp tác và phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) tại Hà Nội cho biết, Chính phủ Hàn Quốc rất quan tâm xây dựng hạ tầng giao thông xanh. EDCF đã xây dựng hệ thống đánh giá xếp hạng chỉ số xanh để đánh giá các dự án đầu tư của mình.

Trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ đánh giá để đảm bảo ngưỡng phát thải và hỗ trợ đối tác đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. EDCF và Hàn Quốc cam kết hỗ trợ hết mình để Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050.

Cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến phát triển giao thông xanh, bà Reneé Deschamps, Quyền Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, để giảm phát thải trong ngành giao thông, Chính phủ đã đưa ra các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện; cam kết đầu tư 500 triệu USD để xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt chú trọng chuyển đổi sang sử dụng xe điện.

Với Việt Nam, Chính phủ Australia cam kết hợp tác song phương trong nỗ lực giảm phát thải, nhất là khi hai nước đã nâng cấp mối quan hệ trở thành đối tác chiến lược toàn diện.

Theo đó, Australia sẽ tăng cường chia sẻ kiến thức chuyên môn về chuyển đổi năng lượng xanh; triển khai chương trình đối tác tài chính với doanh nghiệp Việt nam trong xây dựng các trạm sạc xe điện; hợp tác chặt chẽ với Bộ GTVT để đẩy mạnh hỗ trợ của Chính phủ Australia trong phát triển hạ tầng giao thông xanh.

Đại diện cho quốc gia hợp tác với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, bà Takebayashi Yoko, Phó trưởng Đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nhận định, giao thông công cộng là trọng tâm chính trong chuyển đổi xanh. Hiện JICA có hàng loạt dự án hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện, trang bị hệ thống kiểm đếm thông minh, tăng năng lực quản lý giao thông công cộng ở các thành phố lớn.

JICA cũng tích cực tham gia trong dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM. Bà Yoko cho biết, JICA luôn sẵn sàng huy động các nguồn lực để phối hợp với Chính phủ và các đối tác để phát triển giao thông xanh tại Việt Nam.

Tại tọa đàm, đại diện ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cam kết mạnh mẽ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ xanh. Các tổ chức này mong muốn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng về tài chính, đầu tư để tạo nên nền giao thông xanh bền vững cho Việt Nam.

BÍCH QUYÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-to-chuc-quoc-te-cam-ket-ho-tro-viet-nam-phat-trien-giao-thong-xanh-post755041.html