Nhiều trăn trở, đại biểu Quốc hội ba lần lên tiếng về việc ngân hàng làm đại lý bán bảo hiểm nhân thọ
Thảo luận về luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chiều 15/1, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn khi cho phép ngân hàng làm đại lý bán bảo hiểm nhân thọ. Hệ lụy để lại đã nhìn thấy rõ trong thời gian vừa qua.
Đã 2 lần cho ý kiến về việc ngân hàng làm đại lý bảo hiểm nhân thọ trong Dự án Luật các TCTD ở các kỳ họp trước, cơ quan soạn thảo tiếp thu một phần nhưng đại biểu Phạm Văn Thịnh vẫn còn băn khoăn và tiếp tục góp ý lần thứ 3. Đại biểu đưa ra các con số bất thường: chỉ tính riêng một công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua một ngân hàng đã có số phí bảo hiểm khách hàng hủy năm đầu tiên khoảng 2000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, sau khi ký các hợp đồng hợp tác độc quyền, năm đầu tiên, công ty bảo hiểm trả ngay một khoản lớn cho ngân hàng thương mại. Khoản này chiếm một tỷ lệ đáng kể trong thu nhập trước thuế của ngân hàng.
Đơn cử, năm 2020, trong hơn 23.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế của Vietcombank thì phí hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ đã là 9.200 tỷ đồng - chiếm 40%. Thậm chí, trong 9.596 tỷ đồng lợi nhuận của ACB thì phí bảo hiểm được hưởng đã là 8.400 tỷ đồng - chiếm 88%. Đó là chưa tính số hoa hồng đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm.
Lợi ích lớn này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng đến người dân như thời gian qua.
Thậm chí, cho rằng hệ lụy của sản phẩm bảo hiểm bán qua ngân hàng lên người dân đã rất nghiêm trọng, đại biểu Phạm Văn Hòa còn đề nghị không cho phép các ngân hàng liên kết bán bảo hiểm.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Phạm Đức Ấn, đồng thời là Chủ tịch Ngân hàng Agribank đồng tình với quy định cho phép ngân hàng được làm đại lý bảo hiểm theo quy định pháp luật. Vấn đề là cần quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát thay vì cấm.
Mời quý vị và các bạn theo dõi!