Nhiều trẻ mắc cúm mùa phải nhập viện vì biến chứng
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm (cúm A, cúm B) gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường cao điểm vào mùa đông xuân hoặc thời điểm chuyển mùa. Bệnh cúm mùa lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc.
Liên quan tới việc hàng trăm học sinh trên trên địa bàn thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai gần đây phải nghỉ học do bị ho, sốt, mệt mỏi, Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên cho biết, qua giám sát và test nhanh cúm cho thấy, các trường hợp này bị nhiễm cúm A.
Cơ quan chức năng thống kê trong 1 tuần qua, có 237 học sinh của các trường: THPT số 1 Bảo Yên, THCS số 1 Phố Ràng, Tiểu học số 1 và 2 Phố Ràng phải nghỉ học và cùng có chung triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi.
Trong khi đó, ghi nhận tại một số bệnh viện ở Hà Nội như: Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn cho thấy số trẻ phải nhập viện do cúm A có chiều hướng gia tăng.
Bác sĩ Phạm Thị Thuận, Phụ trách Khoa Nhi, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khoảng 2 tuần trở lại đây, ngày nào, các bác sĩ của khoa cũng tiếp nhận thăm khám cho hàng chục trẻ bị cúm A, trong đó có 10% phải nhập viện do sốt cao liên tục hoặc viêm phổi. Đặc biệt, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu tháng 3 đến nay, số trẻ ho, sốt đến khám do cúm A cũng tăng rất cao, trong đó ghi nhận nhiều trẻ biến chứng viêm phế quản phổi phải nhập viện.
Theo Bộ Y tế, cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm (virus cúm A, cúm B) gây ra, bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường cao điểm vào mùa đông xuân hoặc thời điểm chuyển mùa. Bệnh cúm A lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua tiếp xúc, các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi, đặc biệt môi trường trường học là nơi tập trung đông người nên dễ lây lan. Cúm A thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những trẻ nhỏ, trẻ đẻ non và trẻ có bệnh lý nền.
Các triệu chứng mắc cúm A ban đầu là: sốt, nhức đầu, ho, chóng mặt, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi… Thông thường, trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị, chủ yếu dùng thuốc hạ sốt tại nhà. Nếu dùng các thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế, phụ huynh không được tự ý mua thuốc dùng cho trẻ.
Gia đình cần chăm sóc tốt, vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm, đồng thời tránh tiếp xúc với quá nhiều người để hạn chế mang mầm bệnh khác đến cho trẻ và mang virus cúm ra cộng đồng.
Để phòng ngừa cúm mùa cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh và tiêm vaccine ngừa cúm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhieu-tre-mac-cum-mua-phai-nhap-vien-vi-bien-chung-post682599.html