Đồng hành với trẻ tự kỷ
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Yersin Nha Trang phối hợp với Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh tổ chức chương trình “Vì một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ”, qua đó muốn truyền tải tới cộng đồng cái nhìn đúng đắn về bệnh tự kỷ, cảm thông và đồng hành để trẻ được can thiệp sớm, hòa nhập cộng đồng.
Yêu thương, đồng hành dẫn dắt trẻ
Đưa con tới tham gia chương trình, anh Nguyễn Vĩnh S. (phường Phước Tiến, TP. Nha Trang) cho biết, vợ chồng anh có 2 người con sinh đôi được hơn 3 tuổi. Trong quá trình chăm sóc, vợ chồng anh thấy con có dấu hiệu chậm nói, ít giao tiếp với người thân, thích chơi một mình và khá rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Qua tìm hiểu, thấy con có những dấu hiệu nghi vấn của chứng tự kỷ nên anh đưa các con đến BVĐK Yersin Nha Trang để gặp bác sĩ chuyên môn tư vấn, thăm khám và phối hợp can thiệp sớm. Sau 6 tháng can thiệp, tình trạng của 2 trẻ có sự cải thiện. Hai cháu đã có thể nói được từ đơn và hiểu ý của người lớn, bắt đầu có sự giao tiếp bằng mắt tốt hơn với người thân… “Chương trình có nhiều cháu mắc bệnh tham gia. Nhìn hai trẻ nhà tôi hòa mình cùng các bạn chơi trò chơi do giáo viên của trung tâm và bác sĩ của bệnh viện tổ chức, tôi rất xúc động”, anh Nguyễn Vĩnh S. chia sẻ.

Trẻ có dấu hiệu mắc chứng tự kỷ đang được đánh giá tại Bệnh viện Đa khoa Yersin Nha Trang.
Tại chương trình, 48 trẻ mắc bệnh tự kỷ và phụ huynh được các thầy cô giáo, bác sĩ truyền thông về căn bệnh, những tâm tư, lời muốn nói của trẻ thông qua các clip, hình ảnh, tư liệu minh họa. Đồng thời, giới thiệu về hoạt động chẩn đoán, can thiệp và sự phối hợp của gia đình trong can thiệp cho trẻ mắc bệnh tự kỷ. Với sự đồng hành của phụ huynh, cán bộ, nhân viên y tế và các cô giáo, trẻ được hướng dẫn tham gia các trò chơi vận động, dán hình, nhận biết màu sắc qua các vật dụng, cùng biểu diễn những tiết mục văn nghệ… Bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh cho biết, tại trung tâm đang nuôi dạy bán trú 57 trẻ mắc chứng tự kỷ. "Khi phát hiện trẻ mắc chứng tự kỷ, cha mẹ không nên tạo áp lực cho trẻ. Điều tốt nhất nên làm đó là nhanh chóng đưa trẻ đến gặp các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn, can thiệp một cách khoa học. Đồng thời, cha mẹ cần yêu thương, đồng hành dẫn dắt trẻ. Hãy chỉ dạy cho trẻ biết điều con cần phải làm bằng cách lặp đi lặp lại cho đến khi con cảm thấy mình đủ sức làm một cách độc lập. Đặc biệt, đừng áp đặt sự dạy bảo khi trẻ đang kích động hay quá lo lắng; hãy khích lệ khi trẻ làm điều tích cực…”, bà Sinh khuyên.
Gia đình đóng vai trò quan trọng
Chứng tự kỷ ảnh hưởng đến việc giao tiếp, nhận thức của trẻ. Đến nay, vẫn chưa có cách để chữa trị khỏi hoàn toàn chứng tự kỷ. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán, can thiệp sớm sẽ giúp trẻ từng bước được cải thiện, hòa nhập với cộng đồng.

Trẻ mắc chứng tự kỷ tham gia trò chơi dán hình tại chương trình.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Lan Anh - Trưởng khoa Nhi, BVĐK Yersin Nha Trang, nguyên nhân của chứng tự kỷ chưa có các bằng chứng khoa học cụ thể, yếu tố chính có thể liên quan đến bất thường là gene. Biểu hiện thường gặp ở trẻ mắc chứng tự kỷ là trẻ thường cô lập, thờ ơ với cha mẹ và người xung quanh, thiếu giao tiếp, thiếu phản ứng tương tác với trẻ khác, nói và làm những điều không phù hợp; hoặc phát triển ngôn ngữ rất trễ (khoảng 4 - 5 tuổi) và không theo các quy luật tiến triển thông thường. 3 năm đầu đời là thời điểm vàng để can thiệp cho trẻ, bởi thời điểm này, tế bào thần kinh có tính linh hoạt, thích ứng cao nên trẻ có thể học được điều mới và điều chỉnh hành vi dễ dàng hơn, đặc biệt là giao tiếp sớm. Trong điều trị can thiệp cho trẻ tự kỷ, bên cạnh sự phối hợp đa chuyên ngành, gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Việc cha mẹ biết cách nhận biết, phát hiện dấu hiệu bất thường, chấp nhận tình trạng của con là mấu chốt để đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và can thiệp sớm. Có sự đồng hành của cha mẹ sẽ tăng hiệu quả can thiệp cho trẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thu Thúy - Phó Trưởng khoa Nhi, Tổ trưởng Tổ can thiệp trẻ rối loạn phát triển, BVĐK Yersin Nha Trang chia sẻ: “Tổ can thiệp trẻ rối loạn phát triển của bệnh viện đi vào hoạt động được hơn 1 năm. Tổ đã tiếp nhận khám, đánh giá và chẩn đoán cho gần 300 trẻ có dấu hiệu mắc chứng tự kỷ, trong đó tổ đang thực hiện can thiệp cho 50 trẻ. Những năm gần đây, nhận thức về chứng tự kỷ đã phổ biến trong cộng đồng. Nếu trước đây, rất nhiều trường hợp đến bệnh viện muộn khi đã có biểu hiện nặng thì gần đây, nhiều cha mẹ đã sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường của con, đưa trẻ đi khám từ khi mới 17 - 18 tháng tuổi”.
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, cứ khoảng 100 trẻ thì có 1 trẻ mắc tự kỷ. Tại Việt Nam, trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ tăng đáng kể. Để giúp trẻ tự kỷ được phát hiện, can thiệp sớm, hòa nhập cộng đồng cần tăng cường sự quan tâm và hiểu biết đúng về chứng tự kỷ trong cộng đồng, gia đình.
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202504/dong-hanh-voi-tre-tu-ky-53c141a/