Nhiều trường đại học ở TP.HCM đua nhau mở ngành liên quan robot, AI
Nắm bắt xu hướng thị trường lao động trong thời gian tới, nhiều trường đại học ở TP.HCM mở ngành mới liên quan trí tuệ nhân tạo, robot, khoa học dữ liệu.
Mùa tuyển sinh 2019, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM thông báo mở ngành đào tạo Robot và trí tuệ nhân tạo. Trường chỉ tuyển 20 sinh viên, miễn 100% học phí. Đây là trường được cho là đầu tiên đào tạo ngành này. Điểm chuẩn trong mùa đầu tuyển sinh là 25,2 - cao nhất trong tất cả ngành học của trường.
Mở ngành mới thu hút tuyển sinh
Năm nay, nhiều trường đại học thông báo mở thêm các ngành đào tạo liên quan trí tuệ nhân tạo (AI), robot, hệ thống dữ liệu, tạo ra cuộc cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo.
ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) thông báo trường dự kiến mở thêm 5 chương trình đào tạo chất lượng cao, trong đó có chuyên ngành Kỹ thuật robot (nằm trong ngành Kỹ thuật cơ điện tử). Đây không phải ngành mới nhưng là chuyên ngành mới của ĐH Bách khoa.
Theo PGS Bùi Hoàng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), với chuyên ngành này, trường sẽ tập trung giảng dạy bằng tiếng Anh.
ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay cũng mở thêm ngành Khoa học máy tính hướng trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật máy tính hướng hệ thống nhúng và IoT.
“Nhằm đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nên trường mở thêm 2 ngành này. Bên cạnh đó, trường còn một số ngành mũi nhọn đào tạo theo định hướng trên như Khoa học dữ liệu, An toàn thông tin", ông Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng mở thêm ngành Hệ thống nhúng và IoT ((Internet of Thing - Internet vạn vật).
PGS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH quốc tế Hồng Bàng, cho biết năm nay, trường sẽ mở 11 ngành đào tạo mới, trong đó có Trí tuệ nhân tạo (AI). PGS Phong cho rằng khi xu thế của xã hội đang tiến rất nhanh về AI, trường phải mở ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Một số trường đại học lại chọn đi theo hướng khoa học dữ liệu. Năm nay, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) mở 6 ngành mới, trong đó có ngành Khoa học dữ liệu.
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông nhà trường, cho hay việc mở ngành Khoa học dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tất cả vấn đề liên quan như big data, AI, IoT... đều cần nguồn dữ liệu tốt và đương nhiên cần đến những người làm công việc này một cách khoa học.
Tương tự, ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng dự kiến mở 2 ngành mới là IoT và AI ứng dụng, Khoa học dữ liệu. Trong đó, IoT và AI ứng dụng được xây dựng theo hướng ứng dụng trong các thiết bị điều khiển nhúng như robot, thiết bị tự động...
Quan trọng vẫn là chất lượng đào tạo
Liên quan ứng dụng của AI, khoa học dữ liệu trong ngành kinh tế, ngân hàng, ĐH Ngân hàng TP.HCM dự kiến mở ngành khoa học dữ liệu trong kinh doanh. Đại diện nhà trường cho rằng dữ liệu là yếu tố rất quan trọng, nhất là trong thời điểm phát triển ngân hàng số hiện nay.
ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dự kiến mở thêm 3 chương trình đào tạo mới gồm: Khoa học dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh của khoa Toán kinh tế; kinh doanh số và trí tuệ nhân tạo của khoa Hệ thống thông tin; kinh tế quốc tế (kinh tế đối ngoại) chất lượng cao bằng tiếng Anh của khoa Kinh tế đối ngoại.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc chương trình nghiên cứu dự báo nhân lực, nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ, thị trường nhân lực hiện tại và sắp tới rất cần lao động liên quan lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo.
Do đó, các cơ sở đào tạo, nhất là trường đại học phải ưu tiên, tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao, đủ năng lực cần thiết, đặc biệt là lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
Theo ông Tuấn, dù ở ngành nghề nào, người lao động trong thời đại 4.0 bắt buộc phải có những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu, thống kê mang tính tổ chức và quy trình, khả năng tương tác hiện đại (người - máy, người - robot)...
"Dù rất cần và thiếu, thị trường chỉ cần những lao động thực sự có kỹ năng tốt, kiến thức am hiểu. Các trường phải đào tạo thực sự chất lượng chứ không phải chạy theo thị hiếu, ồ ạt mở ngành mới, đặt tên cho thật 'kêu', rất 4.0 nhưng cuối cùng đào tạo không tới đâu", ông Tuấn cảnh báo.